“Em về là thêm gánh nặng cho rất nhiều khâu”
“Bản thân em khi về nước, có rất nhiều băn khoăn. Em cúi đầu xin lỗi mọi người vì về giữa lúc dịch đang có những biến đổi khó lường là mang gánh nặng về cho Tổ quốc. Đó là chưa kể đến việc có mang virus Sars-CoV-2 về hay không. Em về thêm gánh nặng cho rất nhiều khâu cho Việt Nam, kể cả nhân lực, tiền bạc”- Đặng Ngọc Ánh, du học sinh tại Đức, hiện đang cách ly ở Khu nhà sinh viên Pháp Vân, Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ.
Ánh kể, chuyến bay của em từ Đức về đến Hà Nội vào ngày 20/3 và em được đưa đi cách ly ngay tại sân bay. “Em đã xác định ngay từ đầu là khi về đi cách ly nên tâm lý rất thoải mái. Em chuẩn bị đồ ăn rất nhiều trong va ly. Sinh viên cũng không có gì mang về nên em chuẩn bị toàn đồ ăn, những thứ có thể ăn nhanh được.
Lúc đó, em không biết cách ly ở đâu, ăn uống như thế nào nên cứ chủ động là tốt nhất. Em cũng đã sẵn sàng mọi vấn đề đều có thế giải quyết được hết nên thực sự không có lo lắng về chuyện chỗ ăn nghỉ khi cách ly”.
Chuyến bay của Ánh hạ cánh cùng với một chuyến bay cũng từ Nga về nước nên lực lượng hải quan làm việc quá tải, gấp 2 lần bình thường. Mọi người nhập cảnh cũng đông gấp hai nên thời gian chờ đợi cũng lâu hơn. Một số người nóng tính, có thái độ thiếu hợp tác nhưng lực lượng chức năng vẫn kiên nhẫn giải quyết.
“Dù nhiều người cũng gây khó khăn nhưng cán bộ (cũng chỉ như ở tuổi con họ), rất lễ phép. Chính em và nhiều bạn chứng kiến thấy rất khó chịu và đã lễ phép khuyên họ nên kiên nhẫn, đừng có thái độ như thế. Bọn em cũng chỉ mong họ lắng nghe để không làm các lực lượng làm nhiệm vụ ở đây thêm mệt mỏi, áp lực”- Ánh nói.
Vào cách ly tại Khu nhà sinh viên Pháp Vân, Hoàng Mai (Hà Nội), Ánh cho biết, đối với sinh viên, điều kiện sống ở đây quá tốt. Đội ngũ hậu cần chuẩn bị cho người cách ly rất chu đáo, đầy đủ từ cốc uống nước, khăn lau mặt, bàn chải, dầu gội, đến chổi quét nhà, hót rác….
Phải hiểu được sự chia sẻ của mọi người trong nước
“Em cũng được biết các bạn sinh viên ở ký túc xá phải chuyển rất gấp để nhường phòng lại cho những người về cách ly. Nên gấp gáp như thế, việc vệ sinh chưa được như mong muốn cũng là chuyện rất bình thường. Bản thân bọn em là sinh viên nên rất hiểu điều đó.
Khi vào cách ly, nếu người có ý thức thì sẽ tự dọn dẹp sạch sẽ để ở, còn người không có ý thức thì sẽ chê bai. Nhưng phải hiểu được sự chia sẻ của các bạn sinh viên và mọi người trong nước, điều đó nên quan tâm hơn gấp nhiều lần những hạn chế nhỏ nhặt. Bọn em là sinh viên, sức dài vai rộng, chuyện dọn lại chỗ ở sạch sẽ cho chính mình là rất bình thường, sao lại phải phàn nàn”- Ánh chia sẻ.
Theo dõi thông tin trên mạng xã hội, được biết một số sinh viên chê bai chỗ cách ly bẩn, không có Wifi…, Ánh cho rằng, cơ sở vật chất như thế là quá tốt rồi, không nên đòi hỏi quá đáng như thế.
“Bọn em là sinh viên học ở nước ngoài, có điều kiện tiếp xúc với nền văn hoá và điều kiện tốt hơn trong nước một chút, em chỉ nói là một chút, chẳng hạn nơi ở có thể sạch hơn. Nhưng em nghĩ sinh viên không nên ngại khó, ngại khổ để phàn nàn những vấn đề đó. Wifi không phải là phần tất yếu của cuộc sống. Mình có thể có nhiều việc để làm, phàn nàn về vấn đề đó là đòi hỏi hơi quá”- nữ du học sinh bày tỏ.
“Thương các anh hậu cần vô cùng”
Khi vào cách ly, Ánh cùng mọi người trong phòng cố gắng tự dọn vệ sinh để đỡ được phần nào sự vất vả của các anh hậu cần.
“Các anh cũng chỉ hơn bọn em vài tuổi, nhưng vào đây chứng kiến mới thấy thương các anh vô cùng. Các anh vất vả thực sự. Lúc phát cơm bọn em cũng hay hỏi han các anh. Có anh nói là hôm qua ngủ được 2-3 tiếng, anh khác thì nói sao ngủ được nhiều thế. Mà đúng thế, 2-3 tiếng cũng là nhiều vì mọi người nhiều việc lắm, từ phát đồ, chuẩn bị cơm nước buổi trưa, buổi chiều.
Nếu có đoàn về thì 1-2h sáng họ vẫn phải đợi đến lúc mọi người đăng ký, về phòng,nhận đồ đạc… Cứ thế có khi đến sáng mới xong, thì các anh lại đi lo việc của buổi sáng. Có những khu như mọi người tự dọn nhưng nhiều khu, mọi người có ý thức chưa tốt, các anh lại phải dọn dẹp”.
Không chỉ thế, nhiều người có rất nhiều yêu cầu, đội ngũ hậu cần đều phải phục vụ bằng hết. “Hiện nay có việc rất mệt mỏi là các gia đình gửi đồ tiếp tế, các anh phải còng lưng vác đồ lên. Nhiều người không thông cảm còn giục là đồ gửi vào sao mãi không lên đến nơi. Mọi người phải thông cảm, đồ gửi vào phải qua nhiều công đoạn khử trùng rồi mới đưa lên, không phải gửi vào là đưa lên luôn được. Các anh phải bê vác nhiều thứ, mọi người đòi hỏi quá đáng mà các anh chứ nhẫn nại giải thích” – Ánh nói.
Theo Ánh thì điều “xấu xa” nhất mà em từng làm là cùng các bạn trong phòng “trở nên vô cùng đanh đá. Khi một số người có thái độ “lồi lõm” với các anh bộ đội hay nói khó nghe, chúng em nghe thấy sẽ có thái độ kiên quyết và lễ độ nhất để bảo vệ các anh, bảo vệ sự đúng đắn và những sự cố gắng không ngừng nghỉ của các anh”.
“Làm Sao đỏ ngay trong khu cách ly”
Ánh cùng những người cách ly trong phòng cố gắng hỗ trợ tối đa các anh hậu cần trong điều kiện cho phép. Những người cách ly như Ánh không được di chuyển và tiếp xúc nhiều, nhưng khi thấy mọi người hay vứt rác trước cửa thì Ánh đã nhắc nhở mọi người vứt đúng vào nơi quy định.
“Mọi người để ở cửa thì nước bẩn chảy ra, sinh vi khuẩn dễ lây lan. Bọn em thực hiện việc vứt rác đúng chỗ đầu tiên, sau đó quan sát và nhắc nhở các phòng bên cạnh bằng cách, sử dụng găng gõ cửa rồi mở cửa và nói vọng vào để tránh tiếp xúc “các anh chị ơi, vứt rác đúng nơi quy định”. Chỉ cần một lần thế là mọi người có ý thức rất tốt. Hành lang của em được mọi người nói là sạch sẽ nhất vì ai cũng có ý thức vệ sinh”.
Không chỉ thế, chờ sau khi mọi người đi ngủ hết để tránh tiếp xúc, Ánh cùng một số bạn của mình quét dọn hành lang sạch sẽ. Các em cũng chia sẻ cho mọi người những thứ thiết yếu mà ít lây lan như bột giặt, giấy vệ sinh, móc áo quần…
“Những thứ này bọn em đều dùng găng tay để đưa để tránh lây lan. Sức khoẻ của bọn em được theo dõi thường xuyên nên không có vấn đề gì nhiều. Bọn em làm tất cả chỉ muốn hỗ trợ các anh vì thấy các anh quá mệt mỏi quá rồi. Mỗi người một tay, một ý thức thì các anh được an ủi rất nhiều. Chỉ cần được an ủi cũng là động lực rất lớn rồi. Các anh còn phải giữ sức để chiến đấu vì chưa biết “cuộc chiến” này còn kéo dài đến bao giờ”- Ánh chia sẻ.
Video: Cuộc sống của du học sinh Việt Nam giữa 'tâm dịch' Vũ Hán
Bình luận