Tụ cầu vàng có tên khoa học là Staphylococcus aureus, là một loại vi khuẩn nguy hiểm ký sinh trên da, niêm mạc và phát tán nhiều trong tự nhiên. Những thực phẩm giàu chất đạm, chất béo như thịt gia súc, gia cầm, cá hoặc thực phẩm có hàm lượng nước cao, nhiều tinh bột, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa, đồ hộp, bánh kem rất dễ bị nhiễm tụ cầu vàng.
Bên cạnh đó, thực phẩm chế biến trong điều kiện mất an toàn vệ sinh, trong quá trình lựa chọn, bảo quản thực phẩm kém chất lượng cũng là cơ hội để tụ cầu vàng sinh sôi phát triển.
Theo thống kê từ Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. HCM, từ năm 2010 đến cuối năm 2018 có 54 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có 14 vụ do khuẩn tụ cầu vàng. Nhiều vụ ngộ độc tập thể cũng bắt nguồn từ loại vi khuẩn này, do trong quá trình chế biến thực phẩm cho nhiều người không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, dụng cụ chế biến trong sạch sẽ, quá trình bảo quản kém chất lượng...
Biểu hiện khi bị nhiễm khuẩn tụ cầu vàng
Vi khuẩn tụ cầu vàng sẽ sinh trưởng và lây lan trong môi trường thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng thích hợp, gây độc tố đường ruột. Nếu một người bị nhiễm độc tố này thì chỉ từ 30 phút đến 1 tiếng sẽ xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như nôn mửa, tiêu chảy.
Đây là loại độc tố cực kỳ mạnh, chịu nhiệt tốt. Khi đun sôi thức ăn ở nhiệt độ 100 độ C, độc tố của tụ cầu vàng vẫn còn, khiến cho người ăn phải thực phẩm đó bị ngộ độc. Muốn khử độc tố tụ cầu vàng thì phải đun sôi thức ăn (100 độ C) ít nhất trong 2 giờ đồng hồ.
Thời gian ủ bệnh của ngộ độc do tụ cầu vàng rất ngắn, khoảng từ 1 đến 6 giờ. Bệnh thường có biểu hiện đau đầu, mạch nhanh nhưng không sốt, thân nhiệt của người bệnh vẫn bình thường hoặc hơi sốt do mất nước.
Theo Tiến sĩ Trương Hồng Sơn, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, ở điều kiện bình thường, vi khuẩn tụ cầu vàng không gây bệnh. Tuy nhiên, khi vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể, thông qua các vết thương trên da, đường hô hấp, tiêu hóa…, chúng có thể gây ra các nhiễm trùng rất nghiêm trọng như: Chốc lở, viêm mô tế bào trên da; viêm tủy xương, viêm phổi, thậm chí khi chúng xâm nhập vào máu có thể bị nhiễm khuẩn huyết, gây sốc hay suy đa phủ tạng, dẫn tới tử vong.
Phòng, tránh ngộ độc khuẩn tụ cầu vàng
Để phòng tránh ngộ độc do vi khuẩn tụ cầu vàng, phải nhớ kỹ nguyên tắc khi sử dụng thực phẩm là "ăn chín, uống sôi", vệ sinh môi trường và nguồn nước sạch sẽ. Trong quá trình chế biến thực phẩm cần phải vệ sinh dụng cụ kỹ càng, tránh để vi khuẩn xâm nhập và sinh sôi nảy nở.
Khi lựa chọn và bảo quản thực phẩm, cần chú ý đến hạn sử dụng thực phẩm và tránh bảo quản thực phẩm quá 12 giờ. Đối với các loại thực phẩm tươi sống (thịt, hải sản), chỉ nên bảo quản lạnh trong vòng 2 đến 3 ngày khiến cho vi khuẩn có đủ điều kiền để phát triển và gây bệnh.
Không chỉ trước khi nấu nướng, mà ngay sau khi chế biến thực phẩm cần vệ sinh dụng cụ thật sạch sẽ. Khi nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để điều trị.
Bình luận