Mới đây, nói về đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn, đại diện Bộ Xây dựng khẳng định, thời hạn sở hữu nhà của người dân sẽ không áp dụng hồi tố. Nếu người dân mua chung cư trước thời điểm luật sửa đổi có hiệu lực và công trình đó được cấp giấy phép xây dựng trước ngày ban hành luật mới thì không áp dụng thời hạn sửa đổi.
Những thông tin này khiến các chuyên gia e ngại xu hướng "thổi" giá các dự án chung cư sở hữu lâu dài, do nguồn cầu cao.
Trả lời VTC News, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) khẳng định, nếu đề xuất trên được thông qua và đi vào thực hiện thì chắc chắn chung cư cũ và chung cư hiện hữu sẽ tăng giá, đất nền cũng sẽ tăng theo.
Tuy nhiên, theo ông Toản, biên độ tăng giá sẽ không quá lớn do mặt bằng hiện đã cao và chất lượng công trình chung cư thực tế sẽ xuống cấp theo thời gian.
Hơn nữa, do bất động sản không chỉ có giá trị sử dụng mà còn là một tài sản để giữ tiền, thừa kế, chuyển đổi thành tiền mặt để kinh doanh nên trong trường hợp chung cư có thời hạn sở hữu thì sẽ mất giá dần theo thời gian, càng gần tới niên hạn càng mất giá.
"Chung cư lúc này chỉ có giá trị để ở hoặc cho thuê chứ mất đi chức năng là một kênh đầu tư giữ tiền hoặc đầu tư chờ tăng giá", ông Toản dự đoán.
Ông Toản dự đoán, đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn có lẽ khó được thông qua do còn nhiều vấn đề bất cập về tính thực tế khi đưa vào thực hiện. Bởi lẽ, các doanh nghiệp sẽ không mặn mà tham gia do khó tiêu thụ sản phẩm trong khi giá vốn đầu tư không giảm được nhiều.
“Vấn đề này sẽ được giải quyết nếu Nhà nước đứng ra thực hiện và nên thực hiện dưới dạng nhà ở xã hội”, ông Toản bày tỏ.
Còn theo nhận định của lãnh đạo một sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội, trong năm vừa rồi, giá chung cư đã tăng chóng mặt. Đơn cử, thống kê trong 2 tháng, từ tháng 7 đến tháng 9 ở khu vực quận Thanh Xuân (Hà Nội), giá chung cư đã tăng 8-10%.
Vì vậy, nếu đề xuất của Bộ Xây dựng thành hiện thực thì những chung cư sở hữu sổ hồng vĩnh viễn trở thành "của hiếm", từ đó giá sẽ còn tăng.
“Tất nhiên, giá sẽ chỉ tăng đến một ngưỡng nào đó mà người mua chịu được. Còn cao quá thì họ sẽ tính phương án khác. Chẳng hạn, nếu lựa chọn một căn hộ 3 ngủ tới 10 tỷ đồng thì tôi sẽ tìm mua nhà thổ cư. Hoặc là lựa chọn giữa cùng một căn, nhưng sở hữu 50 năm là 4 tỷ, mà lâu dài là 6 tỷ, thì tôi cũng cân nhắc chọn căn 4 tỷ”, vị này nói.
Cũng theo vị lãnh đạo này ngoại trừ những sản phẩm đặc biệt, vị trí "vàng" hoặc siêu hiếm thì người mua mới chấp nhận một cái giá cũng đặc biệt, để thỏa mãn sở thích hay thể hiện chất chơi... Còn đại đa số người dân đi mua nhà đều căn cơ, cân nhắc rất thận trọng.
Hiện nay, đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn vẫn đang nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Theo ông Trần Đạo Đức, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn C.E.O, quy định này ở thời điểm hiện nay chưa phù hợp với tâm lý chung của người mua nhà, có thể ảnh hưởng tới chính sách phát triển nhà ở chung cư vì nhiều người chuyển hướng sang phân khúc khác.
“Ở góc độ thị trường, việc xác định thời hạn sở hữu nhà chung cư cũng sẽ gây khó cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khi bán sản phẩm”, ông Đức nhìn nhận. Theo đó, ông Đức đề xuất thực hiện theo phương án 2 trong dự thảo luật là quy định sở hữu chung cư gắn với quyền sử dụng đất lâu dài, không quy định thời hạn sử dụng.
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) lại cho rằng, việc quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư có thể sẽ tạo điều kiện để giá giảm xuống. Và trên thực tế, thời gian qua ở một số địa phương đã có hiện tượng chủ đầu tư bán nhà ở có thời hạn với mức giá khá mềm. Ngoài ra, theo ông Khởi. việc quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư là xu hướng tất yếu, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp.
Bình luận