Đang cân nhắc mua một căn chung cư 3,5 tỷ đồng trên đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), anh Lê Văn Linh (ở quận Đống Đa) đã thay đổi ý định vì lo lắng sau đề xuất chung cư có thời hạn, giá chung cư sẽ hạ.
“Mới đây, Bộ Xây dựng cho biết thời hạn sở hữu nhà của người dân sẽ không áp dụng hồi tố, nhưng hiện mới chỉ là dự thảo. Căn hộ 3,5 tỷ đồng là một tài sản lớn của vợ chồng tôi, vì vậy, nếu sau này không được sở hữu vĩnh viễn thì tôi thực sự lo lắng”, anh Linh nói.
Sau khi bàn bạc, hai vợ chồng anh Linh quyết định từ bỏ ý định mua chung cư và chuyển sang mua nhà mặt đất. Số tiền 3,5 tỷ đồng để lựa chọn được một căn nhà ưng ý vào thời điểm này là khá khó khăn, nhưng nếu chọn những căn nhà nhỏ, trong ngõ thì vẫn có thể mua được.
Sau gần 1 tháng tìm kiếm, vợ chồng anh Linh đã quyết định chốt một căn nhà 35 m2, 5 tầng, giá 3,7 tỷ đồng tại phố Đông Thiên (quận Hoàng Mai, Hà Nội).
“Căn nhà này cách khu chung cư tôi định mua tầm hơn 1 km, cách nơi làm việc của hai vợ chồng khoảng 3 km nên vẫn rất thuận tiện cho việc đi làm. Nhà có sổ đỏ đầy đủ, có thể yên tâm an cư”, anh Linh chia sẻ.
Chị Trần Ngọc Minh (Đông Anh, Hà Nội) cũng cho hay, với chị, căn hộ chung cư cũng như một tài sản mang tính kế thừa nên khi Bộ Xây dựng đề xuất thời hạn sở hữu nhà chung cư xác định theo thời hạn sử dụng công trình, chị Minh khá lo lắng.
Dù có thông tin những căn hộ mua trước khi luật có hiệu lực sẽ vẫn được sở hữu lâu dài nhưng điều khiến chị lo là 50 năm sau, công trình cũng sẽ cũ và xuống cấp, người dân cần di dời. Lúc đó, cách tính chi phí đền bù, vị trí tái định cư cho người dân nếu thu hồi dự án chung cư sẽ thế nào?
“Căn nhà mua với giá 2 - 3 tỷ đồng tại thời điểm này là cả một tài sản lớn, nhưng lại không biết được 50 năm sau sẽ ra sao?”, chị Minh băn khoăn.
Vì vậy, thay vì mua căn chung cư, chị Minh quyết định đem số tiền hơn 2 tỷ đồng mua một căn nhà đất thổ cư diện tích khoảng 30m2 nhưng được sở hữu vĩnh viễn và có thể làm “của để dành” cho các con sau này.
“Vẫn biết số tiền hơn 2 tỷ đồng mua nhà đất lúc này chỉ mua được những căn nhà nhỏ, ở sâu trong ngõ, nhưng đó là nhà của mình, xuống cấp vẫn có thể tự đập đi xây lại và sau này có thể để lại cho con cháu”, chị Minh nói.
Theo anh Thanh Tùng, chủ một phòng môi giới bất động sản ở quận Hoàng Mai, khá nhiều người thấy thông tin đề xuất chung cư có thời hạn đã tạm dừng việc mua căn hộ trong thời điểm này hoặc chuyển hướng mua nhà đất.
“Những trường hợp chuyển hướng mua nhà đất đa phần là những người cũng có mức thu nhập ổn định và cao. Họ cũng có sẵn tiền nên mới có thể chuyển hướng ngay, bởi giá nhà đất dù trong ngõ cũng có phần cao hơn giá chung cư”, anh Tùng nói.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, khái niệm hộ gia đình vẫn là một tế bào của xã hội, con cái vẫn cần nhờ đến bố mẹ. Một người bình thường, nếu không nhờ đến bố mẹ thì không biết đến bao nhiêu tuổi, sau bao năm cặm cụi đi làm mới có thể sở hữu một ngôi nhà, chưa chắc đã có nhà nếu không do thế hệ trước để lại. Vì vậy, tâm lý sở hữu nhà vĩnh viễn tại Việt Nam vẫn rất rõ rệt.
“Nếu chung cư có thời hạn thì người dân sẽ chỉ thích nhà liền đất. Diện tích nhỏ cũng được, hẹp cũng được, tồi tàn cũng được nhưng gắn bó lâu dài”, ông Võ phân tích.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực CLB bất động sản Hà Nội phân tích, chúng ta trước nay vẫn có tư duy “ăn chắc mặc bền”, nên nhà là tài sản lớn và được sở hữu lâu dài, nhưng theo thời gian sử dụng chung cư sẽ xuống cấp.
Ngoài ra, quá trình đô thị hóa tại Việt Nam hiện nay rất nhanh, cùng đó là mức sống của người dân được đòi hỏi cao hơn từng ngày. Do đó, những khu đô thị cũ hết niên hạn cũng cần được cải tạo, xây mới. Điều này, đảm bảo được sự an toàn cho người dân cũng như làm đẹp bộ mặt đô thị.
Không ít chuyên gia bất động sản cho rằng quy định thời hạn sử dụng chung cư là cần thiết, bởi điều này góp phần chỉnh trang đô thị, khi chung cư đã xuống cấp. Bên cạnh đó, trong khi giá chung cư liên tục leo thang như hiện nay thì việc quy định thời hạn sở hữu chung cư sẽ góp phần kéo giảm giá căn hộ.
Bình luận