Đề xuất người tiêu dùng được quyền chọn có hoặc không chia sẻ thông tin cá nhân

Doanh nghiệp vì người tiêu dùngThứ Ba, 25/10/2022 17:06:00 +07:00
(VTC News) -

Tổ chức, cá nhân kinh doanh thu thập, sử dụng thông tin phải có cơ chế để người tiêu dùng lựa chọn việc cho phép hoặc không cho phép sử dụng thông tin đó.

Chiều 25/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Trong đó, liên quan đến thông tin của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thông báo rõ ràng, công khai, bằng hình thức phù hợp với người tiêu dùng về mục đích, phạm vi thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng trước khi thực hiện và phải được người tiêu dùng đồng ý.

Đề xuất người tiêu dùng được quyền chọn có hoặc không chia sẻ thông tin cá nhân - 1

Người tiêu dùng được quyền chọn có hoặc không chia sẻ thông tin cá nhân. (Ảnh minh họa)

Khi tổ chức, cá nhân kinh doanh thay đổi mục đích, phạm vi sử dụng thông tin đã thông báo cho người tiêu dùng thì phải thông báo lại và nhận được sự đồng ý của người tiêu dùng về việc thay đổi.

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, tổ chức, cá nhân kinh doanh thu thập, sử dụng thông tin phải có cơ chế để người tiêu dùng lựa chọn việc cho phép hoặc không cho phép trong việc: Chia sẻ, tiết lộ, chuyển giao thông tin cho bên thứ ba; Sử dụng thông tin của họ để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa và các hoạt động có tính thương mại khác…

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Trong đó đưa ra khái niệm về người tiêu dùng dễ bị tổn thương theo hướng bao gồm: “Người cao tuổi theo quy định pháp luật người cao tuổi; người khuyết tật theo quy định pháp luật người khuyết tật; trẻ em theo quy định pháp luật trẻ em…

Khi giao dịch với người tiêu dùng dễ bị tổn thương, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm Bảo đảm thực hiện các quyền ưu tiên của người tiêu dùng dễ bị tổn thương trong quá trình mua bán sản phẩm, hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, dự thảo Luật quy định chống kỳ thị, phân biệt đối xử, lợi dụng yếu tố dễ bị tổn thương để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện giao dịch với người tiêu dùng dễ bị tổn thương…

Trách nhiệm bồi thường khi thông tin người dùng bị lộ

Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ - môi trường Lê Quang Huy cho hay, Ủy ban đề nghị quy định rõ trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, huỷ bỏ thông tin của người tiêu dùng thì phải được sự đồng ý của người tiêu dùng.

Về thông báo khi thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng, Ủy ban này nhất trí với việc bổ sung quy định về trách nhiệm thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh về việc thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, việc quy định “tổ chức, cá nhân kinh doanh không phải thông báo trong trường hợp thu thập thông tin đã được công khai của người tiêu dùng hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật” cần được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh việc phải tiếp tục quy định và thực hiện theo các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Với quy định tại dự thảo luật cho phép chia sẻ thông tin người tiêu dùng cho bên thứ ba để phân tích phục vụ hoạt động kinh doanh của bên chuyển giao mà không cần người tiêu dùng cho phép, theo Ủy ban Khoa học, công nghệ - môi trường, thực tế ở cả trong và ngoài nước đều cho thấy mặc dù có cam kết bằng văn bản nhưng vẫn khó bảo đảm bên thứ ba tuân thủ việc bảo vệ thông tin người tiêu dùng.

Do đó, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định việc chia sẻ thông tin cho bên thứ ba là nội dung phải thông báo cho người tiêu dùng và được người tiêu dùng đồng ý.

Ông Huy cũng cho hay, có ý kiến đề nghị bổ sung cơ chế, hình thức thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan cho người tiêu dùng bên cạnh việc thông báo cho cơ quan chức năng sau khi phát hiện sự cố hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng.

Ngoài ra, theo ông Huy, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung xử lý trách nhiệm, hoặc trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi “thông tin người tiêu dùng bị lộ” cũng như bổ sung trách nhiệm ngăn chặn hành vi mua, bán thông tin của người tiêu dùng tại điều khoản quy định về bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng.

Đức Thiện
Bình luận
vtcnews.vn