Ca mắc Whitmore sau lũ ở miền trung tăng đột biến
Sau đợt lũ chồng lũ vừa qua, Bệnh viện Trung ương Huế cùng các bệnh viện tuyến tỉnh ở miền Trung đã ghi nhận số ca mắc bệnh Whitmore tăng đột biến. Hiện đã có năm ca tử vong do bệnh này được ghi nhận ở miền Trung.
Trong đó ở tỉnh Quảng Trị đã ghi nhận 4 ca. Đặc biệt là trường hợp của ông Phan Thanh Miên (51 tuổi, chủ tịch UBND xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) tử vong do nhiễm vi khuẩn khi đang cứu nạn người dân trong lũ.
Trước đó, Bệnh viện Trung ương Huế cũng đưa ra những cảnh báo liên quan đến việc bệnh nhân Whitmore tăng đột biến sau mưa lũ ở các tỉnh miền Trung.Thống kê cho thấy Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận 28 ca bệnh từ tháng 10 đến nay.
Trong các bệnh nhân nhập viện có 50% bệnh nhân đến từ các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... Số còn lại đến từ các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Hương Thủy... thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Điều đáng lo ngại là khá nhiều bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn của bệnh, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng... dẫn đến việc điều trị khó khăn, chi phí điều trị cao nhưng kết quả không khả quan.
Số liệu trên đáng báo động nếu so sánh với số ca bệnh mà Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận điều trị từ 2014-2019 với chỉ khoảng 83 trường hợp được chẩn đoán Whitmore (cấy bệnh phẩm dương tính với Burkhoderia Pseudomallei ); từ tháng 1 đến tháng 9-2020 có 11 bệnh nhân.
Bệnh Whitmore là gì?
Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore sống ở đất và nước. Chúng xâm nhập qua những vết trầy xước của người tiếp xúc. Vi khuẩn có thể xâm nhập đến các cơ quan trong cơ thể con người.
Do có khả năng "trốn thoát" khỏi hệ miễn dịch của cơ thể người, vi khuẩn này vượt qua được lớp bảo vệ đầu tiên của đường tiêu hóa và da, sau đó xâm nhập vào máu. Vi khuẩn này có cơ chế làm giảm khả năng thực bào của cơ thể, trong khi đây là khả năng một số tế bào miễn dịch ở người tiêu diệt cá thể xâm nhập bằng cách nuốt và phân hủy.
Nhờ các cơ chế này, vi khuẩn xâm nhập sống sót, nhân lên, gây bệnh cho bệnh nhân, tạo ra độc tố gây độc và phá hủy tế bào cơ thể người, gây sốc nhiễm khuẩn...
Đặc biệt, vi khuẩn này có khả năng kháng lại nhiều thuốc kháng sinh. Do đó, nếu mắc bệnh việc điều trị sẽ gặp khá nhiều khó khăn. Thường phải mất nhiều thời gian và dùng kháng sinh liều cao mới có hiệu quả. Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa, tập trung từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm.
Bệnh Whitmore có nhiều con đường để lây lan, trong đó chủ yếu là: vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương hở, xây xước hoạt do tai nạn. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây lan qua con đường hô hấp, từ khí bụi, hơi nước có vi khuẩn Whitmore.
Nhóm người dễ bị mắc bệnh bao gồm: người già, trẻ em, những người có sức đề kháng yếu, người bị tiểu đường, nghiện rượu hay nghiện ma túy.
Bệnh chia làm nhiều thể: tối cấp, trung bình và mạn tính. Trong đó, nguy hiểm nhất là thể tối cấp, tỷ lệ bệnh nhân thiệt mạng cao, nhanh chóng, thậm chí chỉ sau 48 giờ. Tuy nhiên, thể tối cấp không phát hiện nhiều trường hợp bệnh. Hay gặp nhất là thể trung bình và mạn tính. Ở thể này, bệnh sẽ kéo dài, gây nhiều phiền toái và ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.
Triệu chứng lâm sàng của bệnh khá đa dạng, dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh khác. Cộng thêm thời gian ủ bệnh khá dài từ 1-21 ngày nên việc phát hiện sớm bệnh này gặp rất nhiều khó khăn.
Đặc biệt là tâm lý chủ quan của người bệnh không đến thăm khám sớm nên nhiều trường hợp nhập viện khi đã trong tình trạng khá nặng, nguy cơ tử vong cao" được bệnh này cần phải lấy mẫu bệnh phẩm đem đến khoa vi sinh phân tích. Tuy nhiên những bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã lại không có khoa này nên việc chẩn đoán, điều trị bệnh ngay từ đầu gặp rất nhiều khó khăn.
Phòng bệnh thế nào?
Hiện bệnh Whitmore chưa có vắc xin phòng ngừa. Để chủ động phòng bệnh, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp như sau:
Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng.
Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm.
Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn.
Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng.
Thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết; Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.Những người có bệnh tiểu đường, gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch,… cần được chăm sóc, bảo vệ các vết thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Bình luận