• Zalo

'Đại dịch ung thư' liên quan đến giao thông xe máy, GS.Hoàng Chương: 'Cấm xe máy là đúng'

Thời sựThứ Bảy, 12/12/2015 07:40:00 +07:00Google News

Giáo sư Hoàng Chương đồng tình với nhận định của tiến sĩ Lương Hoài Nam về việc "dịch ung thư" có liên quan đến nền giao thông xe máy.

(VTC News) - Giáo sư Hoàng Chương đồng tình với nhận định của tiến sĩ Lương Hoài Nam về việc "dịch ung thư" có liên quan đến nền giao thông xe máy.

Mới đây, trên trang facebook cá nhân của mình, Tiến sĩ kinh tế hàng không Lương Hoài Nam đã chia sẻ bài viết "Ung thư sẽ thành đại dịch ở Việt Nam trong 5 năm tới" và nêu lên một nhận định thu hút được nhiều tranh luận của cộng đồng.

Ông Lương Hoài Nam nói: "Tôi luôn tin rằng "dịch ung thư" ở nước ta có mối liên hệ với xe máy: nền giao thông xe máy là nguồn gốc của ăn bẩn, uống bẩn, thở bẩn, ở bẩn và thói xuề xoà, cẩu thả về an toàn trong mọi lĩnh vực hoạt động".

Ông Nam cho rằng, nền giao thông xe máy tạo cơ hội cho kinh doanh chợ, quán vỉa hè, là những nơi gây ô nhiễm môi trường và bán những loại thực phẩm kém an toàn. Xe máy thải ra nhiều khí độc rồi cho chúng ta hít vào phổi.

Trước nhận định này, phóng viên VTC News đã phỏng vấn Giáo sư Hoàng Chương – Chủ nhiệm Dự án văn hóa giao thông, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn & Phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam.

Giáo sư Hoàng Chương mong Việt Nam cấm được xe máy.

- Giáo sư có quan điểm thế nào về nhận định của tiến sĩ Lương Hoài Nam về việc "dịch ung thư" ở nước ta có liên quan đến nền giao thông xe máy?

Tôi cho rằng, anh ấy nói như vậy cũng có cái lý của anh ấy. Bởi hiện nay, xe máy ở nước ta đang phát triển với số lượng quá lớn. Việc xe máy góp phần cùng với các phương tiện khác thải ra khói bụi, bấm còi inh ỏi, từ đó gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn là đúng. Điều này ảnh hưởng lớn tới đời sống, sức khỏe của người dân.

Bên cạnh đó, hiện tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm bẩn, nhiễm chất hóa học có hại cho sức khỏe diễn ra phổ biển. Trong khi đó, chợ cóc, hàng quán trên vỉa hè cũng mọc lên khắp nơi.

Mà chợ cóc vỉa hè được sinh ra chính là để đáp ứng cho nhu cầu của người đi xe máy, tạo điều kiện cho nhiều người đi xe máy dễ dàng tấp vào lề đường, leo lên vỉa hè để mua hàng hóa thực phẩm, hoặc ăn uống tại chỗ.
Hàng hóa, thực phẩm ở những nơi này thường có giá thành rẻ và việc mua bán rất tiện lợi nhưng chất lượng thì rất khó đảm bảo. Nếu mua, ăn phải những thực phẩm độc hại thì tất nhiên là sẽ ảnh hướng tới sức khỏe, làm phát sinh bệnh tật.

Đó là chưa kể tới việc, cứ nơi nào có chợ cóc, chợ tạm, rồi hàng quán vỉa hẻ là nơi đó thường xuyên xảy ra tắc đường nghiêm trọng. Người đi bộ cũng không có vỉa hè mà đi.

Có thể nói, hàng quán vỉa hè và xe máy kết hợp lại với nhau tạo nên một trong những nguyên nhân rất lớn gây nên sự lộn xộn về giao thông, sự mất mỹ quan đô thị, mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên, tôi cũng phải nói cho rõ là, chúng ta không thể nói là người Việt Nam, dân tộc Việt Nam chúng ta ăn bẩn, uống bẩn, ở bẩn được. Ở đây chỉ là một bộ phận người dân ăn uống lung tung và sống bừa bãi mà thôi.

Cũng cần phải khẳng định rằng, không phải hàng quán nào ở vỉa hè cũng là bẩn. Thực tế, không chỉ người Việt Nam mà nhiều du khách nước ngoài cũng thích ngồi ăn uống ở vỉa hè. Tuy nhiên, theo tôi hàng quán ở vỉa hè vẫn tạo nên sự lộn xộn, ô nhiễm. Nếu chúng ta cấm được điều này là tốt nhất.

Thực tế, trước đây khi ông Phạm Văn Đồng làm Thủ tướng, chúng ta đã cấm được tình trạng hàng quán trên vỉa hè. Khi chúng ta cấm buôn bán trên vỉa hè thì người dân tất yếu sẽ chuyển sang thói quen ăn uống, mua bán khác hợp lý hơn, an toàn hơn.

Người dân đi xe máy dừng xe ngay giữa lòng đường để mua thực phẩm gây tắc đường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm. (Ảnh: TPO)

- Ông có cho rằng, tình trạng xe máy phát triển như hiện nay là nguồn gốc khiến cho người dân có thói xuề xòa, cẩu thả về an toàn trong mọi lĩnh vực hay không?

Xe máy có liên quan đến thói xuề xòa, cẩu thả về an toàn trong mọi lĩnh vực hay không thì tôi không có bình luận gì. Tuy nhiên, rõ ràng sự phát triển quá nhanh của xe máy đã tạo nên sự rối loạn về giao thông.

Một bộ phận người đi xe máy rất vô văn hóa. Họ thản nhiên phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, chạy lên vỉa hè, rồi đâm chém nhau chỉ vì va chạm giao thông.

Thậm chí, nhiều lúc tại các ngã 3 ngã tư, khi có cảnh sát đứng đó, nhiều người vẫn ngang nhiên đầu trần, vượt đèn đỏ… Họ có sợ gì đâu. Có thể nói, tình trạng xe máy vi phạm bây giờ còn loạn hơn những năm trước.

Như vậy, rõ ràng là một bộ phận người đi xe máy đã coi thường, dễ dãi với chính tính mạng của mình và cả những người xung quanh. Thực tế thì xe máy cũng là loại phương tiện gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nhất trong những năm qua.


Cách đẩy lùi ung thư khiến bạn bất ngờ


- Hiện nước ta cũng đã có lộ trình cấm xe máy, ông có quan điểm thế nào?

Xe máy là một bước tiến về mặt giao thông, giúp cho việc đi lại của người dân được nhanh, thuận tiện hơn. Tuy nhiên sự phát triển quá mức của xe máy tất yếu sẽ dẫn đến sự lộn xộn, rối loạn về giao thông cũng như văn hóa.

Mà cái gì gây ra trở ngại, mất văn hóa thì cấm là đúng. Nhiều thành phố lớn trên thế giới, chẳng hạn Bắc Kinh của Trung Quốc, họ đã cấm được xe máy từ rất lâu rồi.

Tôi vẫn ước mơ sao Hà Nội, TP.HCM cũng như một số thành phố lớn khác của Việt Nam không có xe máy nữa. Thay vào đó, chúng ta có thể dùng các phương tiện khác như các thành phố hiện đại của các nước phát triển trên thế giới.

Cấm xe máy là một lộ trình rất dài không biết khi nào mới có thể thực hiện được. Nếu cấm xe máy thì chúng ta phải có các phương tiện khác để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Trong khi chờ đợi, tôi nghĩ điều thiết yếu cần phải chấn chỉnh ngay đó là văn hoá tham gia giao thông của những người đi xe máy.


- Xin cảm ơn ông!

Video: Sự thật đáng sợ ở 10 ngôi làng ung thư của Việt Nam


Hữu Lê
Bình luận
vtcnews.vn