Chiều 7/12, HĐND TP Hà Nội tiếp tục chất vấn về nhóm vấn đề lĩnh vực giao thông đô thị.
Chất vấn Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) và Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương (tổ Quốc Oai) cho biết, hiện nay nhiều tuyến xe buýt vẫn còn tình trạng xe kém chất lượng, nội thất xe xuống cấp, tiêu chuẩn khí thải không đảm bảo, phóng nhanh vượt ẩu, lấn làn... Bên cạnh đó, thái độ phục vụ của lái xe và phụ xe chưa tốt. Đại biểu đề nghị làm rõ các nội dung này.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Nam - Tổng Giám đốc Transerco cho biết, hiện nay đơn vị đang quản lý vận hành 71/132 tuyến buýt có trợ giá, vận chuyển trên 60% lượng hành khách trên toàn thành phố...
"Chúng tôi đã nhận thấy các khó khăn và rất cầu thị lắng nghe ý kiến của người dân, hành khách. Chúng tôi đã đưa ra các giải pháp, lộ trình để thu hút, cải thiện chất lượng dịch vụ", ông Nam nói cho biết đã tuyển dụng, nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ, công nhân viên và người lao động của đơn vị.
Tổng Giám đốc Transerco cho biết, với những trường hợp vi phạm sẽ kiên quyết xử lý, không bao che, không có ngoại lệ dù thiếu hụt lao động. Điển hình như trong 11 tháng đầu năm, đơn vị đã kiểm tra gần 120.000 lượt xe, xử lý khoảng 1.100 trường hợp.
Về chất lượng phương tiện, Tổng Giám đốc Transerco cho biết có khoảng 70% đạt tiêu chuẩn, không có xe trên 10 năm tuổi, bình quân là 5,2 năm.
Cùng trả lời, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, hàng năm thành phố đều dành kinh phí trợ giá để phát triển xe buýt. Tuy nhiên, sau dịch COVID-19, hành khách đã thay đổi thói quen, mua phương tiện cá nhân để sử dụng.
"Làm sao đấy để thu hút người dân quay lại với phương tiện công cộng cũng là cách để thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND (về quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc) là giảm phương tiện cá nhân.
Bằng rất nhiều biện pháp, cùng với phát triển phương tiện công cộng thì phải quản lý bằng cả biện pháp hành chính và biện pháp kinh tế đối với phương tiện cá nhân, chứ không chúng ta cứ đi phát triển hạ tầng chạy theo trong khi chưa có đô thị nào trên thế giới có đủ nguồn lực phát triển hạ tầng để đáp ứng yêu cầu phương tiện cá nhân", ông Nguyễn Phi Thường nói.
Lãnh đạo Sở GTVT cho biết, vấn đề lớn nhất hiện nay với xe buýt là tốc độ lưu thông. Khi người dân mua xe, sử dụng phương tiện cá nhân nhiều thì ùn tắc tăng cao, làm tốc độ lưu thông giảm xuống. Ông dẫn chứng tốc độ xe buýt trước đây là 22km/h, hiện còn 16km/h, giờ cao điểm chỉ hơn 10km/h.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nhấn mạnh, điều cực kỳ quan trọng là phải đúng giờ. Nếu không đúng giờ, cứ trèo lên xe buýt 1 tiếng không đi được 10km, không về được đến nhà, không đi làm đúng giờ thì người dân vẫn sợ xe buýt.
Theo ông Nguyễn Phi Thường, vừa qua Sở đã trình UBND TP Hà Nội 3 nội dung, trong đó có việc tăng giá vé xe buýt, bởi lẽ 10 năm nay Hà Nội chưa tăng giá dù có nhiều định mức, cơ chế chính sách tăng về mặt chi phí nhưng giá vé xe buýt không tăng.
Bình luận