"Với tốc độ tiêu thụ như hiện tại, chúng ta vẫn còn cách xa ngưỡng kỷ lục khi Trung Quốc chưa hồi phục", Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Suhail Al Mazrouei nói trong buổi đối thoại "Năng lượng tương lai Trung Đông và Bắc Phi - châu Âu" diễn ra ở Jordan hôm 8/6.
Ông Mazrouei dự đoán giá dầu sẽ lập đỉnh mới khi nhu cầu của Trung Quốc có thể phục hồi đáng kể và nỗ lực tăng sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất liên minh (OPEC+) chưa thể mang lại kết quả nhanh chóng.
Theo vị quan chức UAE, sản lượng khai thác của OPEC+ đang thiếu hụt 2,6 triệu thùng/ngày so với mục tiêu. Trong khi đó, OPEC+ nhất trí nâng mức tăng sản lượng trong tháng 7 và 8/2022 lên 648.000 thùng/ngày, từ mức tăng hàng tháng trước đó là 432.000 thùng/ngày, nhưng dường như vẫn không đủ cho nguồn cầu hiện tại.
Giá dầu thế giới bắt đầu tăng mạnh kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2. Tới phiên giao dịch ngày 9/6, giá dầu thế giới tăng hơn 2%, lên mức cao nhất 13 tuần qua.
Theo đó, giá dầu thô Brent tăng 3,01 USD, tương đương 2,5%, lên mức 122,12 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ cũng tăng lên mức 122,11 USD/thùng, tăng 2,70 USD, tương đương 2,3%.
Theo nhà phân tích Giovanni Staunovo tới từ Ngân hàng đầu tư UBS, dù sản lượng dầu thô và các sản phẩm dầu khác có tăng thì giá dầu vẫn đối diện đà tăng cao do thị trường kỳ vọng nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng trở lại trong mùa hè này. Trong nhiều tháng qua, các lệnh phong tỏa ở nhiều thành phố lớn của Trung Quốc như Thượng Hải, Bắc Kinh đã kìm hãm nhu cầu của quốc gia nhập dầu nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, khi dịch được kiểm soát, các biện pháp chống dịch được nới lỏng thì nhu cầu này sẽ sớm tăng trở lại.
"Nếu nhu cầu của Trung Quốc tăng mạnh sau phong tỏa và sản xuất dầu tại Nga tiếp tục giảm, không loại trừ khả năng giá dầu tái lập mức đỉnh 139 USD/thùng như hồi đầu năm", Matt Smith - nhà phân tích dầu khu vực châu Mỹ tại hãng phân tích Kpler cho hay.
Chuyên gia này cũng dự đoán giá dầu vẫn ở mức 3 chữ số thêm một thời gian nữa.
Khó quay đầu giảm
Trong dự báo đưa ra mới đây, ngân hàng Goldman Sachs cảnh báo nhiều khả năng giá dầu Brent sẽ đạt bình quân 135 USD/thùng trong nửa sau của năm nay và nửa đầu năm 2023. Con số này tăng 10 USD/thùng so với dự báo trước đó của ngân hàng này.
“Chúng tôi tin rằng giá dầu cần tăng cao hơn nữa mới có thể bình thường hoá được mức tồn kho dầu toàn cầu đang rất thấp, cũng như công suất khai thác dầu dự trữ của OPEC và công suất lọc dầu dự trữ toàn cầu”, báo cáo của Goldman Sachs cho hay.
Các nhà phân tích tại Morgan Stanley thậm chí còn bi quan hơn khi dự báo giá dầu thô có thể tăng lên 150 USD/thùng trong quý ba năm nay.
Trong khi đó, theo dự báo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), giá dầu Brent sẽ đạt bình quân ở mức 111,28 USD/thùng trong quý 3 và 104,97 USD/thùng trong quý 4. Cách đây 1 tháng, 2 con số dự báo tương ứng mà EIA đưa ra là 103,98 USD/thùng và 101,66 USD/thùng.
“Chúng tôi tiếp tục dự báo mức giá năng lượng cao so với lịch sử do sự phục hồi kinh tế và ảnh hưởng của chiến tranh Nga-Ukraine”, Giám đốc EI Joe DeCarolis cho hay.
Sau một thời gian thảo luận trầy trật, EU cuối tháng 5 phê chuẩn lệnh cấm dầu Nga như một phần trong gói trừng phạt thứ 6 áp lên Moskva vì cuộc xung đột ở Ukraine. Theo đó, các nước EU sẽ có 6 tháng để cắt giảm nhập dầu Nga và 8 tháng đối với các sản phẩm khác từ dầu.
Hiện tại, các quốc gia trong khối vẫn có thể mua dầu Nga, nhưng họ phải tìm kiếm các lựa chọn thay thế trong những tháng tới. Theo thống kê của Kpler, nhập khẩu dầu của EU từ Angola tăng gấp 3, từ Brazil và Iraq tăng lần lượt 50% và 40%.
Roslan Khasawneh, nhà phân tích nhiên liệu tại Vortexa, nhận định, việc tìm kiếm lựa chọn thay thế ở những nơi xa xôi này sẽ đẩy giá dầu tăng cao. “Chi phí vận chuyện gia tăng vì những chuyến tàu chở dầu phải đi quãng đường dài hơn, đẩy giá dầu lên cao hơn", ông phân tích.
Chính phủ các nước đã tìm mọi cách để hạ giá dầu như trợ giá nhiên liệu và áp trần giá xăng. Nhưng giải pháp hiệu quả nhất lúc này là tăng nguồn cung lại rất nan giải.
Năm 2021, Nga sản xuất 10 triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm khoảng 14% nhu cầu toàn cầu. Các lệnh cấm vận của phương Tây với Nga tạo ra khoảng trống lớn trên thị trường. Theo Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA), sản xuất dầu của Nga giảm gần 1 triệu thùng mỗi ngày. Con số này có thể lên tới 3 triệu thùng/ngày vào nửa sau năm 2022.
IEA dự báo sản lượng dầu toàn cầu có thể tăng thêm 3 triệu thùng/ngày để cân bằng với khoảng trống mà Nga để lại. Tuy nhiên, ông Smith cho rằng kịch bản này khó có thể xảy ra.
Từ trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, các nước sản xuất dầu đã giảm đầu tư vào lĩnh vực này, chuyển hướng sang năng lượng tái tạo. Tổng vốn đầu tư vào các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí đã giảm 23% xuống còn 341 tỷ USD trong năm 2021.
Cùng với đó OPEC cũng có những giới hạn khó có thể vượt qua. Chiến lược gia Giovanni Staunovo của UBS cho rằng nhiều nước OPEC+ đã chạm tới giới hạn khai thác. Điều này đồng nghĩa mức tăng thực tế có thể chỉ bằng nửa mục tiêu.
Bình luận