Ả Rập Xê-út tăng giá dầu hợp đồng dài hạn ở châu Á

Thời sự quốc tếChủ Nhật, 05/06/2022 20:35:55 +07:00
(VTC News) -

Ả Rập Xê-út đã tăng giá dầu hợp đồng dài hạn tại thị trường châu Á trong bối cảnh nhu cầu tăng cao sau khi các nước gỡ bỏ hạn chế chống dịch COVID-19.

Kể từ tháng 6, tập đoàn năng lượng quốc doanh Ả Rập Xê-út Aramco tăng giá dầu thô Arab Light tại châu Á thêm 2,10 USD/thùng, lên mức 6,50 USD/thùng. 

Theo kết quả khảo sát của Bloomberg, trước đó thị trường năng lượng kỳ vọng Aramco chỉ tăng giá thêm 1,50 USD.

Ả Rập Xê-út tăng giá dầu hợp đồng dài hạn ở châu Á - 1

Ả Rập Xê-út đã tăng giá dầu tại thị trường châu Á. (Ảnh: Reuters)

Ả Rập Xê-út là nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, nước này đã tăng giá các đơn hàng dầu được bán theo hợp đồng dài hạn. Giá dầu thô thế giới cũng tăng hơn 50% lên gần 120 USD/thùng.

Vào ngày 2/6, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã nhất trí tăng sản lượng khai thác dầu thô lên 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh giá mặt hàng này leo thang và Liên minh châu Âu (EU) vừa thông báo lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga. Theo đó, các bộ trưởng của OPEC+ “nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường cân bằng và ổn định với dầu thô và các sản phẩm tinh chế”.

Cùng ngày, Nhà Trắng cho biết Mỹ hoan nghênh quyết định mới nhất của OPEC+ về việc tăng sản lượng. Washington cũng khẳng định vai trò quan trọng của Ả Rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Kuwait và Iraq trong việc thúc đẩy quyết định này.

Tuy nhiên, các chuyên gia ngành năng lượng vẫn nghi ngờ việc OPEC+ có thể nhanh chóng góp phần hạ giá năng lượng hay không. Đặc biệt là khi lệnh cấm vận dầu của Nga có thể loại tới 2 triệu thùng dầu/ngày khỏi thị trường thế giới. 

OPEC+ từ lâu đã lên kế hoạch tăng sản lượng hơn 400.000 thùng/ngày vào tháng 7/2022 và động thái đó được đưa vào dự báo giá năng lượng. Quyết định nâng lên 648.000 thùng/ngày không đủ để lấp đầy khoảng trống mà năng lượng Nga để lại. 

Hiện 8 trong số 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tuyên bố loại bỏ dầu của Nga, thắt chặt nguồn cung và buộc các nhà môi giới dầu phải định hướng lại hoạt động xuất khẩu của Nga trên toàn cầu.

Ả Rập Xê-út đã chuyển hơn 60% lượng dầu thô xuất khẩu của mình sang châu Á. Trong đó, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ là những khách hàng lớn nhất.

Trần Trang(Nguồn: Bloomberg)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp