Theo dữ liệu của Trading Economics hôm 27/5 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI có lúc áp sát ngưỡng 115 USD/thùng. Như vậy, so với mức thấp trong tuần (108 USD/thùng vào ngày 24/5), giá đã tăng hơn 5%.
Trong khi đó, giá dầu Brent đạt 118,5 USD/thùng, rồi điều chỉnh giảm nhẹ về 117,14 USD/thùng. So với mức thấp trong tuần qua (111,7 USD/thùng hôm 24/5), giá dầu chuẩn quốc tế đã tăng gần 5%.
Giá của cả 2 loại dầu đều chạm ngưỡng cao nhất kể từ đầu tháng 3. Nói với Zing, các chuyên gia quốc tế cho rằng động lực chính là khả năng thị trường bị thắt chặt do tiêu thụ xăng dầu ở Mỹ tăng cao trong mùa hè, và nguy cơ Liên minh châu Âu (EU) cấm dầu Nga.
Dù liên tục trồi sụt trong vòng một tuần qua, giá dầu WTI vẫn ghi nhận mức tăng mạnh. Nguyên nhân chính là những lo ngại về tình trạng thiếu hụt trên thị trường Mỹ. Ảnh: Trading Economics. |
Nhiều yếu tố thúc đẩy giá dầu
"Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 3, được thúc đẩy bởi những thông tin mới về dự trữ dầu của Mỹ", ông Giovanni Staunovo - nhà phân tích của UBS - bình luận.
Nói với Zing, ông Jeffrey Halley - nhà phân tích tại Asia Pacific OANDA (có trụ sở ở Singapore) - cho rằng giá dầu tăng mạnh khi thị trường tiếp tục lo lắng về tình trạng thiếu hụt trên thị trường Mỹ.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, dự trữ xăng của Mỹ đã giảm 482.000 thùng trong tuần trước xuống còn 219,7 triệu thùng. Lượng tiêu thụ xăng thường đi lên trong mùa hè - mùa lái xe cao điểm tại nước này.
"Mùa lái xe tại Mỹ và nhu cầu di chuyển tăng mạnh sẽ đẩy giá lên cao. Do nguồn cung không tăng kịp nhu cầu, thị trường dầu vẫn ở trong trạng thái thiếu hụt", ông Staunovo bình luận.
"Thông tin về việc Tổng thống Mỹ Joe Biden làm việc với ngành công nghiệp dầu mỏ để điều tra về quá trình tái khởi động các nhà máy lọc dầu cũng không tác động nhiều tới thị trường", ông Halley bình luận.
Bởi theo ông, điều này chưa thể tác động ngay lập tức lên sản lượng dầu Mỹ.
Giá dầu cũng tăng cao khi Ủy ban châu Âu tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ của 27 quốc gia thành viên đối với kế hoạch cấm vận dầu Nga. Hôm 25/5, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel cho biết ông tin tưởng rằng khối này có thể đạt được thỏa thuận trước cuộc họp tiếp theo diễn ra vào ngày 30/5.
"Nguồn cung thực tế giảm đi, cùng với việc ngày càng nhiều quốc gia từ chối nguồn cung dầu từ Nga sẽ khiến xăng dầu tăng giá đáng kể", ông Clifford Bennett - nhà kinh tế trưởng của ACY Securities - cảnh báo.
Từ đầu năm đến nay, giá đã tăng khoảng 50%.
"Dường như điều duy nhất có thể khiến giá dầu lao dốc là nhu cầu tại những nền kinh tế lớn bị phá hủy. Nhưng điều này khó có khả năng xảy ra", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại The Americas OANDA - nhận định với Zing.
Đà tăng có thể kéo dài
"Thông tin về việc OPEC+ từ chối lời kêu gọi tăng nhanh sản lượng để hạ nhiệt giá dầu của phương Tây cũng góp phần làm thị trường dầu đi lên", chuyên gia Halley giải thích.
Ông cho rằng sau khi giá dầu Brent vượt ngưỡng quan trọng 116 USD/thùng, mức kháng cự tiếp theo có thể là 120 USD/thùng. Việc giá dầu Brent tăng mạnh cũng có khả năng kéo giá dầu WTI lên vùng 115-116 USD/thùng.
Theo Reuters, OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) sẽ tuân theo thỏa thuận về việc nâng sản lượng dầu được đưa ra vào năm ngoái, và từ chối lời kêu gọi thúc đẩy sản lượng của phương Tây.
Các nước phương Tây đã liên tục lặp lại yêu cầu đối với nhóm này về việc tăng sản lượng. Nhưng OPEC+ cho rằng thị trường dầu đang cân bằng. Đà tăng giá trong năm nay không liên quan đến những yếu tố cơ bản.
Giá dầu Brent tăng áp sát ngưỡng 119 USD/thùng, đánh dấu mức cao nhất kể từ hồi đầu tháng 3. Ảnh: Trading Economics. |
Theo thỏa thuận đạt được vào tháng 7 năm ngoái, OPEC+ đã nhất trí duy trì chính sách tăng sản lượng ở mức 400.000 thùng/ngày. Đến tháng 6 năm nay, mục tiêu tăng sản lượng chỉ 432.000 thùng/ngày, ngay cả khi giá dầu tăng phi mã trong năm nay.
Trên thực tế, sản lượng dầu của nhóm này đã giảm mạnh do nhiều khách hàng xa lánh dầu Nga, Nigeria và Angola cũng sản xuất quá ít so với mục tiêu.
Vào tháng 4, OPEC+ đã sản xuất thấp hơn mục tiêu 2,6 triệu thùng/ngày, trong đó Nga chiếm tới 50% mức thiếu hụt. Theo Phó thủ tướng Nga Alexander Novak, sản lượng dầu và khí ngưng tụ ở nước này dự kiến giảm hơn 8% xuống còn 480-500 triệu tấn trong năm nay.
Nga cũng đang thúc đẩy bán dầu cho Trung Quốc và Ấn Độ, khi các hoạt động mua bán dầu với châu Âu - khách hàng lớn của Moscow - trở nên khó khăn hơn.
Bình luận