Khi máy bay hạ cánh xuống Doha (Qatar), hành khách có thể nhìn xuống sân vận động hoành tráng với quy mô 80.000 chỗ ngồi nằm giữa sa mạc - nơi sẽ tổ chức trận chung kết World Cup vào tháng 12. Họ cũng có thể chiêm ngưỡng một hình ảnh ấn tượng không kém: Các tàu chở dầu nối thành hàng dài ở vịnh Ba Tư để nhận khí đốt tự nhiên (LNG).
Thông thường, có rất ít điểm chung giữa bóng đá và dầu mỏ, nhưng hai yếu tố này đang kết hợp lại với nhau để mang lại cho Qatar tầm ảnh hưởng vượt bậc trên thế giới. Với tư cách là nước đăng cai World Cup 2022 - Qatar đã thể hiện được uy tín quốc tế của mình. Và với tư cách là nhà cung cấp khí đốt đang được săn đón, quốc gia ở Trung Đông này gặt hái nhiều lợi ích đáng kể.
Trong những tuần gần đây, nhiều quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) đã bay đến Doha, tất cả đều mang cùng một thông điệp: họ muốn có khí đốt của Qatar trong thời gian sớm nhất. Nước Đức cũng không ngoại lệ, Berlin đã yêu cầu các doanh nghiệp trong nước tiến hành đàm phán các hợp đồng cung ứng với những nhà cung cấp của Qatar. Đặc biệt, nhu cầu tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế của các nước phương Tây càng trở nên cấp thiết hơn sau khi Nga cắt nguồn cung cấp cho Ba Lan và Bulgaria. Nhu cầu tăng cũng đồng nghĩa với việc sẽ có cạnh tranh giữa những người mua, điều này rất có thể sẽ đem lại các điều khoản có lợi hơn cho Qatar.
Theo Bloomberg, giá trị xuất khẩu năng lượng của Qatar đã đạt 100 tỷ USD trong năm nay - mức cao nhất kể từ năm 2014. Số lợi nhuận thu được từ ngành năng lượng sẽ giúp đất nước có nhiều vốn hơn để chi cho các thị trường chứng khoán toàn cầu và theo đuổi những mục tiêu về chính sách đối ngoại.
Trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Doha đã triển khai một dự án mở rộng trị giá 30 tỷ USD nhằm thúc đẩy xuất khẩu đất nước lên 60% vào năm 2027. Vào thời điểm đó, một số nhà phân tích cho rằng mục tiêu này rất khó đạt được. Tuy nhiên, với bối cảnh hiện nay, Qatar có thể sẽ đưa tham vọng lên cao hơn nữa.
Bà Karen Young, thành viên cấp cao tại Viện Trung Đông ở Washington, nhận xét Qatar đang có “một cơ hội đáng kinh ngạc”: “Qatar sẽ là một trong những nhà xuất khẩu khí đốt quan trọng nhất, có lẽ thị trường này sẽ phát triển rất mạnh trong những năm tới”.
Vận may bất ngờ của Qatar
Những lợi thế hiện nay là một bước ngoặt đối với Qatar. Trong 3 năm qua, nước này đã bị Ả Rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cùng các đồng minh gây áp lực kinh tế vì quan hệ thân thiết với các nhóm Hồi giáo trong khu vực và Iran. Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 khiến giá khí đốt rơi xuống mức thấp kỷ lục, thúc đẩy xu hướng chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Quốc gia Trung Đông còn bị các nhà hoạt động nhân quyền chỉ trích vì chính sách đối với các công nhân nước ngoài tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng cho World Cup. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, ít nhất 50 người trong số đó đã qua đời vào năm 2020.
Tình hình đó hoàn toàn đảo ngược vào năm 2022, khi cuộc tẩy chay kinh tế đã kết thúc và giá khí đốt ở châu Âu tăng tới gần mức cao nhất mọi thời đại do nhu cầu tăng trở lại sau đại dịch và ảnh hưởng từ khủng hoảng Ukraine.
Hiện châu Âu đang nỗ lực giảm sự thuộc vào nguồn năng lượng Nga, vì vậy, Qatar trở thành một nguồn cung quý giá được săn đón. Tuy nhiên, sản lượng từ Qatar chưa dồn về khu vực này. Dù công ty dầu khí quốc doanh Qatar Energy đã hoạt động hết công suất nhưng hơn 80% hàng hóa của họ lại được chuyển đến châu Á. Đặc biệt, hầu hết số đơn hàng khí đốt được bán theo hợp đồng dài hạn và Doha không có ý định hủy các hợp đồng này để chuyển nguồn cung sang châu Âu.
Dù vậy, lợi nhuận của Qatar vẫn tăng mạnh. Theo dự đoán Morgan Stanley, việc châu Âu đa dạng hóa nguồn nhập khẩu năng lượng sẽ thúc đẩy mức tiêu thụ LNG toàn cầu tăng 60% vào năm 2030. Goldman Sachs dự báo giá khí đốt giao ngay ở châu Á và châu Âu sẽ tăng lên khoảng 670 USD/m3 trong ít nhất là năm tới - cao hơn 6 lần mức giá hòa vốn mà dự mà mở rộng của Qatar đề ra.
Vị thế của Qatar cũng tăng nhanh chóng. Hiện Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani rất được chào đón ở Mỹ và châu Âu. Tại cuộc gặp của Quốc vương với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào cuối tháng 1, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về việc “đảm bảo sự ổn định của nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu”. Trong đó, vấn đề khí đốt được đặt lên hàng đầu trong cuộc đàm phán song phương này. Ông Biden đã nói Qatar là "nước đồng minh lớn không thuộc NATO" của Mỹ - trái ngược với tình hình căng thẳng giữa Nhà Trắng với Ả Rập Xê-út và UAE vì các bên này từ chối tăng sản lượng dầu và giảm giá năng lượng.
Nhờ đó, Qatar cũng gặt hái được nhiều lợi ích. Theo Citigroup, nền kinh tế trị giá 200 tỷ USD của Qatar sẽ tăng trưởng 4,4% trong năm nay - mức cao nhất kể từ năm 2015, GDP bình quân đầu người sẽ tăng lên gần 80.000 USD.
Ông Ziad Daoud, chuyên gia kinh tế tại Bloomberg Economics, ví nền kinh tế Qatar giống như chiếc “siêu xe” chạy bằng khí đốt.
“Đây là thời điểm may mắn cho Qatar - nơi có thể chứng kiến một động lực tăng trưởng mới cho thập kỷ này”, ông Daoud nói.
Qatar sẽ làm gì với số lợi nhuận khổng lồ?
Một trong những vấn đề rất được quan tâm hiện nay là Qatar sẽ làm gì với lợi nhuận thu được từ LNG. Theo Bloomberg, chính quyền Doha không chỉ có dự định đầu tư vào các thị trường chứng khoán toàn cầu mà còn có dự định thúc đẩy một số chính sách đối ngoại - các chính sách này có thể không phù hợp với đường lối của các đồng minh của Qatar ở Mỹ và châu Âu.
Cụ thể, phần lớn số tiền sẽ được sử dụng để hỗ trợ quỹ đầu tư quốc gia của Qatar, giúp Cơ quan Đầu tư Qatar (QIA) đẩy mạnh cổ phiếu công nghệ của nước này.
Qatar cũng có thể sử dụng quỹ đầu tư quốc gia để tiếp tục thực hiện các mục tiêu trong khu vực. Tháng trước, Doha đã cam kết đầu tư 5 tỷ USD vào Ai Cập - quốc gia chịu thiệt hại lớn do giá lương thực tăng cao kể từ khi khủng hoảng Ukraine bắt đầu.
Nhưng trong quá khứ, các khoản đầu tư liên quan đến chính sách đối ngoại của Qatar không phải lúc nào cũng có kết quả tốt. QIA từng chi hàng tỷ USD vào các dự án của Nga, bao gồm công ty dầu khí quốc doanh Nga Rosneft PJSC - giá trị của những khoản đầu tư này hiện đã tuột dốc.
Sau cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập năm 2011, Qatar cũng hỗ trợ cho Ai Cập 8 tỷ USD. Hành động này đã khiến Doha chịu nhiều chỉ trích từ các quốc gia vùng Vịnh và cuộc tẩy chay kéo dài nhiều năm sau đó.
Ngoài ra, Qatar còn đầu tư vào Gaza sau khi tổ chức Hamas tiếp quản khu vực này bất chấp việc Mỹ chỉ định Hamas là một tổ chức khủng bố.
“Qatar có thể đóng một vai trò thú vị trong khu vực, nhưng điều này cũng đi kèm với rất nhiều rủi ro”, bà Karen Young tại Viện Trung Đông ở Washington nói.
Bình luận