• Zalo

Chữ Trung Quốc in trên thẻ đi thử tàu: ‘Ở lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam’

Thời sựThứ Ba, 14/08/2018 08:10:00 +07:00Google News

Nguyên ĐBQH Lê Như Tiến cho rằng, hoạt động của bất kỳ người nước ngoài hoặc các hoạt động có yếu tố nước ngoài nào trên lãnh thổ Việt Nam đều phải tuân theo pháp luật Việt Nam.

Liên quan đến việc chữ Trung Quốc in trên thẻ đi thử tàu Cát Linh – Hà Đông đang gây xôn xao dư luận, trả lời PV VTC News, ông Lê Như Tiến, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, nguyên ĐBQH Khóa 13 cho rằng, hoạt động của bất kỳ người nước ngoài hoặc các hoạt động có yếu tố nước ngoài nào trên lãnh thổ Việt Nam đều phải tuân theo pháp luật Việt Nam.

“Đã ở lãnh thổ Việt Nam phải tuân theo pháp luật của Việt Nam. Luật quảng cáo của Việt Nam có quy định, nếu quảng cáo hay bất cứ vấn đề gì có in 2 thứ tiếng thì trên bảng quảng cáo hoặc trên các chất liệu quảng cáo, bao giờ tiếng Việt cũng phải in cao hơn tiếng nước ngoài, tiếng nước ngoài phải nhỏ hơn và ở dưới tiếng Việt", nguyên ĐBQH khoá 13 nhận định.

lenhutien

Ông Lê Như Tiến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (Ảnh: Lao động)

Theo ông Lê Như Tiến, cụ thể ở đây là vé chạy thử tàu trên cao Cát Linh - Hà Đông, chuyến tàu này chỉ có người Việt chạy thử hoặc kiểm tra với tư cách là người chuẩn bị nhận bàn giao của tổng thầu thì theo luật, vé hoặc giấy mời phải in bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài phụ đề trên vé buộc phải nhỏ hơn và in dưới tiếng Việt.

Nguyên ĐBQH Lê Như Tiến khẳng định, tàu đường sắt trên cao thuộc chủ quyền của Việt Nam, do vậy Tổng thầu phải tuân thủ pháp luật Việt Nam nên dù là vé chạy thử, Tổng thầu cũng phải in tiếng Việt lên trên. Ngoài ra, tất cả các công trình, dự án có yếu tố nước ngoài từ khi khởi công đến khai mạc, khánh thành,...cũng cần phải tôn trọng luật pháp Việt Nam.

"Phải giữ chủ quyền của Việt Nam về cả cơ sở vật chất và sau này là quản lý điều hành. Họ chỉ đơn thuần là nhà thầu. Nhà thầu sau khi hoàn thành thi công thì phải bàn giao lại cho chủ đầu tư”, ông Tiến nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Lê Như Tiến cũng đề nghị Ban quản lý dự án đường sắt phải ý kiến mạnh mẽ với Tổng thầu để chấn chỉnh lại việc này.

XEM THÊM TOÀN BỘ SỰ VIỆC TẠI ĐÂY: 

Cũng liên quan đến sự việc này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, dự án tàu trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông có Tổng thầu Trung Quốc, để kiểm soát quản lý số lượng người lên tàu, đảm bảo an toàn thì việc in chữ Trung Quốc trên vé chạy thử cũng không phải quá lớn.

"Tôi thấy việc đó không quá quan trọng vì không vi phạm pháp luật của Việt Nam, vé đó chỉ là tạm thời trong thời gian thí điểm. Còn nếu người dân không tán thành, không đồng tình thì nêu ra để họ sửa chữa lại.

Bây giờ người dân có ác cảm với Trung Quốc nên dường như thấy cái gì liên quan đến Trung Quốc thì phản ứng. Nếu thấy không phù hợp thì chúng ta nên bảo họ rút kinh nghiệm để tạo sự đồng thuận của xã hội", ông Liên nói

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng cho rằng, từ vấn đề này để nhìn nhận rộng ra việc có thể nhận thấy, nguyên do cũng một phần là do ta đang đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Thực ra các văn bản của nhà nước đã có quy định khi dùng chữ nước ngoài ở Việt Nam, chữ nước ngoài phải được đặt ở dưới và có kính thước nhỏ hơn chữ tiếng Việt. Nhưng lâu nay người ta quên việc đó làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, làm cho bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng mai một đi.

"Các cơ quan chức năng phải chấn chỉnh lại việc sử dụng ngôn ngữ của đất nước để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt", ông Liên nhấn mạnh.

Bày tỏ về vấn đề này, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: “Nhà thầu Trung Quốc, để tiện cho ngôn ngữ thì thẻ tạm thời này cũng không có vấn đề gì quá lớn nhưng về lâu về dài vé này đương nhiên là phải in tiếng Việt. Sau này, nếu in vé chính thức, có thể nghiên cứu song ngữ, nhưng ngoài tiếng Việt, ngôn ngữ được sử dụng cùng phải là tiếng Anh, là ngôn ngữ quốc tế thông dụng chứ không phải ngôn ngữ khác”.

the len tau

Thẻ lên tàu chạy thử tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông in chữ Trung Quốc.

Trước đó, sau khi xuất hiện thông tin thẻ lên tàu chạy thử tuyến Cát Linh - Hà Đông in chữ Trung Quốc, ngày 12/8, Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GT-VT) cho biết, theo báo cáo của Tổng thầu Trung Quốc, sáng 11/8, Tổng thầu tổ chức hoạt động công đoàn tại trụ sở của Tổng thầu để phát động thi đua và động viên cán bộ công nhân viên (CBCNV) nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm và mục tiêu của Dự án.

Để động viên tinh thần CBCNV của Tổng thầu với kết quả thi công đã đạt được trong thời gian qua, Tổng thầu đã tự ý mời CBCNV và người thân cùng tham gia đi trên tàu. Nhằm kiểm soát người lên tàu, Tổng thầu dùng Thẻ lên tàu cho mục đích trên và chỉ có giá trị trong ngày 11/8.

Ban Quản lý dự án đường sắt sau đó có văn bản yêu cầu Tổng thầu chấm dứt ngay việc đưa người không có chức năng, nhiệm vụ lên tàu, đồng thời báo cáo Ban về việc trên. Ban Quản lý dự án đường sắt tổ chức họp chấn chỉnh, nghiêm khắc phê bình Tổng thầu và có văn bản yêu cầu Tổng thầu tập trung triển khai các công việc theo kế hoạch được phê duyệt.

Các công việc triển khai không theo kế hoạch, Tổng thầu phải báo cáo và được Ban Quản lý dự án đường sắt chấp thuận trước khi thực hiện. Việc sử dụng, phát hành tài liệu, thông tin liên quan đến dự án phải thực hiện theo đúng điều kiện hợp đồng.

Tại cuộc họp, Tổng thầu nhận trách nhiệm về sự việc nêu trên và cam kết không tái diễn.

Xuân Trường - Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn