• Zalo

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội: 'Cần phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân'

Kinh tếThứ Hai, 21/10/2019 12:07:00 +07:00Google News

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng cần khuyến khích phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, trong đó có tham gia xây dựng dự án quan trọng.

Sáng 21/10, ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch 2020 trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo thẩm tra.

Đánh giá đầy đủ về sự tự chủ của nền kinh tế

Về tăng trưởng kinh tế, Ủy ban Kinh tế cho biết ý kiến cho rằng vấn đề liên kết vùng chưa có hiệu quả rõ nét, chưa phát huy thế mạnh của các vùng kinh tế, các đô thị lớn để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, cũng có đề nghị cần phân tích thêm về tổng thu nhập quốc gia (GNI) để đánh giá đầy đủ về sự tự chủ của nền kinh tế.

Về sản xuất công nghiệp, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc phát triển thương hiệu quốc gia, sức cạnh tranh sản phẩm Việt Nam và bảo vệ thương hiệu trong nước cũng chưa phát huy hiệu quả. Việc nội địa hóa, thực hiện liên kết sản xuất một số sản phẩm như cơ khí chế tạo và hỗ trợ thị trường từ các dự án lớn, quan trọng quốc gia còn nhiều hạn chế.

kt 1

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: (Minh Quân)

Về sản xuất nông nghiệp, vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chung về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao, còn chịu tác động lớn bởi diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, thị trường xuất khẩu nông sản nhất là thị trường Trung Quốc gặp khó khăn.

Về khu vực dịch vụ, có ý kiến cho rằng việc quản lý các mô hình kinh doanh du lịch mới còn thiếu hành lang pháp lý, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho du khách.

Về hoạt động thương mại, Ủy ban Kinh tế cho rằng xuất khẩu còn phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm tỷ trọng 69,36% tổng kim ngạch. Tuy nhiên, đề nghị phân tích rõ hơn các yếu tố tác động dẫn đến tốc độ tăng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ; nhập siêu từ Trung Quốc tăng.

Về vốn đầu tư, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ việc vốn giải ngân thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia (dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành) vẫn còn nhiều vướng mắc.

Về lĩnh vực ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt đã có mức tăng mạnh so với 2018, tuy nhiên vẫn còn chưa đạt kết quả như yêu cầu đặt ra, trong đó một số lĩnh vực việc triển khai còn hạn chế cần đẩy mạnh trong thời gian tới như y tế, giáo dục, giao thông...

“Có ý kiến đề nghị cần kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, đầu tư kinh doanh chứng khoán”, ông Thanh nói.

Quản lý việc huy động vốn thông qua trái phiếu lãi cao

Về hoạt động doanh nghiệp, ông Thanh cho biết có ý kiến đề nghị cần làm rõ bản chất và có giải pháp quản lý đối với việc huy động vốn của doanh nghiệp thông qua phát hành trái phiếu với lãi suất cao hơn nhiều lãi suất ngân hàng, nhất là doanh nghiệp bất động sản.

Về phát triển cơ sở hạ tầng, việc đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục được cải thiện, tuy nhiên, chất lượng một số tuyến đường chưa đảm bảo, một số dự án giao thông quan trọng quốc gia vẫn chậm trong khâu giải ngân, triển khai tổ chức thi công.

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông kết nối TP.HCM với các tỉnh lân cận, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long chậm được cải thiện, gây tắc nghẽn giao thông, giảm tác động lan tỏa từ TP đến các địa phương khác.

Các dự án hạ tầng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), nhất là dự án BOT, BT vẫn đang gặp nhiều khó khăn, chưa được giải quyết một cách triệt để.

kt 2

Ủy ban Kinh tế cho rằng các dự án hạ tầng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), nhất là dự án BOT, BT vẫn đang gặp nhiều khó khăn, chưa được giải quyết một cách triệt để. (Ảnh minh họa: Lê Quân)

Có ý kiến đề nghị đánh giá kỹ các vướng mắc, nguyên nhân các dự án điện triển khai chậm, gây nguy cơ thiếu điện trong những năm tới; việc chậm bố trí vốn để duy tu bảo dưỡng các tuyến đường sau khi nâng cấp thành quốc lộ.

Về các lĩnh vực khác, ông Thanh cho biết một số ý kiến đề nghị báo cáo rõ tình trạng tranh chấp giữa chủ đầu tư, ban quản lý và các hộ dân tại một số chung cư; một số vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, thông tin thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, giá bất động sản tăng bất thường tại một số nơi.

Vẫn còn tình trạng lừa đảo người tiêu dùng liên quan đến bán hàng đa cấp, bán hàng kém chất lượng với giá cao, gây lo ngại cho người dân. Trên mạng xã hội vẫn còn tình trạng thông tin giả mạo, không đúng sự thật, đi ngược lại các chuẩn mực đạo đức, vi phạm các quy định của pháp luật.

“Một số ý kiến cho rằng tình trạng vi phạm pháp luật về quy hoạch, xây dựng, quản lý, sử dụng đất đai xảy ra ở nhiều địa phương, trong thời gian dài, gây thất thoát lớn về tài sản của Nhà nước nhưng việc phát hiện, xử lý chậm và còn nhiều hạn chế”, Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế nói.

Tạo thuận lợi triển khai các dự án điện và giao thông quan trọng

Thẩm tra về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Đại diện Ủy ban Kinh tế cho rằng trong thời gian tới, cần tiếp tục quan tâm tăng cường công tác dự báo và phân tích các diễn biến do các yếu tố địa chính trị và thương mại quốc tế, thường xuyên đánh giá đầy đủ các rủi ro bên ngoài, các hạn chế nội tại của nền kinh tế, từ đó cảnh báo và đưa ra các phương án dự phòng.

Về các chỉ tiêu, trong số 12 chỉ tiêu chủ yếu do Chính phủ trình, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ cơ sở của chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 7%, vì năm 2019 tổng kim ngạch xuất khẩu ước tăng 7,9% trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu thụ chậm lại dẫn đến kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của nước ta giảm hoặc tăng chậm lại.

“Có ý kiến đề nghị cân nhắc giữ mục tiêu tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 7-8%, tương tự mục tiêu đề ra của năm 2019”, ông Thanh nói.

kt 3 3

Ủy ban Kinh tế đề nghị tập trung giải pháp để thu hút mạnh mẽ nguồn nội lực trong nước, phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân. (Đồ họa: Như Ý)

Bên cạnh đó, chỉ tiêu tăng GDP năm 2020 là khoảng 6,8%, Ủy ban Kinh tế đề nghị phân tích rõ hơn căn cứ xây dựng chỉ tiêu tăng GDP thông qua các yếu tố đóng góp vào GDP năm 2020 (so sánh với năm 2019) như tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, chi tiêu của Chính phủ, đầu tư tích lũy tài sản.

Về cân đối về điện, Ủy ban Kinh tế dẫn báo cáo, dự kiến điện sản xuất và mua năm 2020 khoảng 265,4 tỷ kWh. “Đề nghị báo cáo cụ thể về điện sản xuất và năng lực cung ứng điện trong nước hiện nay, để làm cơ sở cho việc cân đối về điện trong năm 2020”, ông Thanh nói.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm thêm một số nhiệm vụ, giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại của nền kinh tế.

Đó là thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án điện và các dự án giao thông quan trọng; hoàn thiện khung pháp lý về giá điện hạ thế nhằm phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Ủy ban Kinh tế đề nghị tập trung giải pháp để thu hút mạnh mẽ nguồn nội lực trong nước, phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân; có giải pháp phù hợp chuyển hộ kinh doanh cá thể trở thành doanh nghiệp. Rà soát, đồng bộ hóa các giải pháp để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

“Cần khuyến khích phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh và sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân trong đầu tư, xây dựng các dự án quan trọng quốc gia”, ông Thanh nói.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong công tác quản lý đất đai, đặc biệt đối với các trường hợp người nước ngoài mua đất trái pháp luật; quản lý cháy, nổ ở các nhà chung cư.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn