Chính phủ quyết tâm hỗ trợ
Tác động của dịch COVID-19 khiến ngành hàng không phải hứng chịu thiệt hại nặng nề. Đơn cử, VNA doanh thu 4 tháng đầu năm nay giảm hơn 12.300 tỷ đồng (giảm 43,39%) so với kế hoạch; ước tính lỗ gần 3.300 tỷ đồng, tổng dòng tiền trong 4 tháng bị thâm hụt là 8.500 tỷ đồng.
Ước tính cả năm 2020, với giả định tình hình dịch bệnh tại các nước trong khu vực được kiểm soát tốt từ tháng 6, dự báo tổng doanh thu của VNA giảm 50.000 tỷ đồng và sau khi cắt giảm mạnh các khoản chi, VNA lỗ khoảng 16.000 tỷ đồng. Đáng quan ngại là nợ đến hạn nhưng VNA chưa có tiền trả lên tới vài ngàn tỷ đồng và thiếu nghiêm trọng nguồn vốn hoạt động.
Các hãng hàng không khác cũng khó khăn tương tự. Bamboo lỗ hơn 1.500 tỷ đồng trong quý 1, thiệt hại gần 4.500 tỷ đồng. Jetstar dự ước năm nay cũng lỗ trên 1.500 tỷ đồng. Vietjet Air quý I lỗ hơn 900 tỷ đồng.
Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với hãng hàng không quá lớn. Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ mới đây cho thấy, đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam là 214 chiếc nhưng mới chỉ khai thác các đường bay nội địa và một số chuyến bay chở hàng quốc tế với tỷ lệ trọng tải cung ứng chưa tới 50% so với năng lực. Tổng thị trường vận chuyển năm nay giảm 46% so với năm 2019.
Trước thực tế này, các bộ, ngành, hãng hàng không…nhiều lần kêu cứu nhưng những biện pháp hỗ trợ của Chính phủ vẫn đang tiếp tục được các bộ, ngành nghiên cứu, hoàn thiện.
Gói tín dụng hàng không, tại sao không?
Được biết, để cứu VNA, một số cơ quan chủ quản đề xuất các hình thức VNA phát hành trái phiếu, bán cổ phần hoặc cho VNA vay 12.000 tỷ lãi suất 0% trong 3 – 5 năm. Tuy nhiên, phương án nào cũng bị vướng tứ bề. Duy phương án cho vay ưu đãi là ít vướng và có tính khả thi hơn cả.
Nhìn nhận về các giải pháp gỡ khó cho ngành hàng không hiện nay, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, đối với các chính sách về tài khóa như miễn, giảm thuế, phí đã được Chính phủ thông qua cần tiếp tục được thực hiện song phải bảo đảm tính tức thời, đúng tính chất cứu hãng hàng không như cứu bệnh nhân COVID-19.
Về phương án vay ưu đãi lãi suất 0% hiện chỉ bị vướng Nghị định số 40/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành (vì không cấp bù chênh lệch lãi suất cho các doanh nghiệp). Các ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp và vẫn phải đi vay, do đó yêu cầu họ cho doanh nghiệp hàng không vay lại với lãi suất 0% là tương đối khó thực hiện. Vì vậy, theo ông Long, cần tạo gói tín dụng ưu đãi riêng cho các hãng hàng không. Các ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi, phần còn lại Chính phủ cấp bù lãi suất bằng cách cho sử dụng nguồn dự trữ khá dồi dào của Ngân hàng Nhà nước và cơ chế tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại.
Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành cho rằng, việc có gói cứu trợ ngành hàng không trong lúc này rất cần thiết. Nhưng, “quan trọng là phải có cái nhìn toàn diện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành hàng không để thúc đẩy kinh tế phục hồi chứ không phải hỗ trợ riêng một doanh nghiệp cụ thể nào”, ông Thành nhấn mạnh.
Đồng quan điểm đó, ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng, vai trò của hàng không trong việc khôi phục nền kinh tế rất lớn nên Chính phủ có thể cho phép cấp bù lãi suất cho các hãng hàng không như đang áp dụng đối với ngân hàng chính sách. Mặt khác, Chính phủ có thể giảm trừ các khoản chi phí lãi vay từ các khoản thu nộp ngân sách rất lớn của các hãng hàng không để thực hiện khoản vay lãi suất 0% nói trên.
Tất nhiên, theo ông Ánh, mức vay bao nhiêu phải căn cứ vào phương án vay vốn, tính khả thi của dự án, khả năng trả nợ... của từng hãng do các ngân hàng đánh giá, thẩm định.
Thời gian qua, nhiều Chính phủ đã hỗ trợ gói lớn và kịp thời cho ngành hàng không. Mỹ dành gói 50 tỷ USD cho các hãng hãng không lớn. Pháp và Hà Lan có gói giải cứu trên 10 tỷ USD cho hãng Air France và KLM. Nhật Bản bơm vốn để các ngân hàng thương mại cho vay gói giải cứu trợ khoảng 10 tỷ USD. Singapore hỗ trợ hãng Singapore Airlines triển khai phương án phát hành cổ phiếu/trái phiếu lên đến 13 tỷ USD để vượt qua khủng hoảng…
Bình luận