Nội dung được Thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).
Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh dịch COVID-19, PVN và VNA đã đoàn kết, quyết tâm cao, không nản chí, đặc biệt là có phương án chủ động khắc phục khó khăn để giữ hoạt động bình thường.
Thủ tướng đề nghị 2 doanh nghiệp tiếp tục tái cơ cấu nội bộ, trong đó có tái cơ cấu thị trường, tái cơ cấu lao động, tiết giảm tối đa chi phí, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động. Tăng cường quản lý kinh tế, chống thất thoát. Cố gắng giữ chân lực lượng lao động nòng cốt, ví dụ như hàng không cần giữ đội ngũ phi công hay bộ phận kỹ thuật…
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, ngành liên quan xắn tay áo cùng tháo gỡ khó khăn cho các tập đoàn Nhà nước quan trọng này, coi khó khăn của các tập đoàn như khó khăn của mình để tháo gỡ, tìm lối ra cách làm phù hợp.
“Thủ tướng, các Phó Thủ tướng cũng sẵn sàng xắn tay áo cùng các doanh nghiệp”, Thủ tướng nói.
Trước đó, PVN cho biết, giá dầu lao dốc trong suốt thời gian từ đầu 2020 đến nay đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu, hiệu quả của PVN và các đơn vị thành viên trong cả 5 lĩnh vực kinh doanh chính ở mức độ khác nhau. Cụ thể, với lĩnh vực khai thác dầu khí, giá dầu cứ giảm 1 USD/thùng thì doanh thu sẽ giảm khoảng 2,2 nghìn tỷ đồng/năm. Với giá dầu ở mức 30 USD/thùng thì doanh thu sẽ giảm khoảng 55 nghìn tỷ đồng/năm (so với giá dầu kế hoạch là 60 USD/thùng).
Hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu cũng chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19 và giá dầu xuống thấp khi nhu cầu vận tải, lưu thông sụt giảm. Các nhà máy lọc dầu bị lỗ do tồn trữ, chênh lệch giá sản phẩm thấp (có lúc giá xăng thấp hơn giá dầu), nguy cơ dừng hoạt động do tồn kho cao. Lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí cũng gặp khó tương tự khi các chủ đầu tư, nhà thầu có xu hướng cắt giảm và tối ưu hóa chi phí sản xuất.
Trước thực tế trên, PVN kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành xem xét điều chỉnh sửa đổi một số chính sách thuế để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ ngày tài chính bằng các khoản vay giá rẻ về vốn lưu động cho PVN và các đơn vị thành viên của PVN; giãn khoản nợ vay tại các dự án, doanh nghiệp khó khăn của ngành.
Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước cho phép PVN và các đơn vị thành viên được sử dụng khoản tiền gửi của PVN và các đơn vị thành viên tại Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) hoặc cho phép được sử dụng khoản tiền này để thanh toán các nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước.
Đồng thời điều tiết thị trường bán lẻ xăng dầu, xem xét tạm dừng nhập khẩu xăng dầu, xem xét cân đối cung cầu giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu, điều hành giá xăng dầu ở mức hợp lý để duy trì hoạt động cho chuỗi sản xuất kinh doanh từ khai thác đến chế biến, cung ứng sản phẩm để cứu nền kinh tế chung của đất nước, duy trì công ăn việc làm của người lao động.
Áp dụng những giải pháp thuế trong giai đoạn hiện nay như đưa sản phẩm phân bón vào diện sản phẩm phải chịu thuế VAT với mức thuế suất 0%; đưa sản phẩm xăng dầu được chế biến từ tài nguyên dầu thô khi xuất khẩu được vào chịu thuế VAT. Xem xét bỏ quy định về thuế suất thuế xuất khẩu đối với sản phẩm phân bón.
Thêm nữa, Chính phủ chỉ đạo tăng cường hợp tác trong khâu phân phối sản phẩm giữa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cùng phân phối tiêu thụ sản phẩm như PVN, Petrolimex, Vinachem…
Trong khi đó, Vietnam Airlines đề nghị Chính phủ miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay, giảm 50% phí cất hạ cánh, điều hành bay, đỗ tàu bay, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất…
Đồng thời điều chỉnh chính sách khấu hao và chính sách phân bổ chi phí sửa chữa bảo dưỡng đội bay phù hợp với công suất sử dụng. Và giãn, hoãn các khoản nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách Nhà nước khác ít nhất 1 năm…
Bình luận