• Zalo

Chiến tranh biên giới Vị Xuyên: Cuộc tử chiến bi hùng trên Núi Đất

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 19/07/2016 06:30:00 +07:00Google News

Cuộc tử chiến trên đỉnh 1509 đã chặn đứng bước tiến công của sư đoàn 40, quân đoàn 14, đại quân khu Côn Minh, Trung Quốc.

Thất bại ở cuộc chiến tranh biên giới 1979, quân Trung Quốc sau một thời gian củng cố lực lượng đã lại tràn sang địa phận tỉnh Hà Giang. Ở chiến trường biên giới Vị Xuyên, cuộc chiến diễn ra cực kỳ khốc liệt. Các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam mà đa số là lính trẻ, đã anh dũng chiến đấu với tinh thần quyết tử, khiến quân xâm lược phải chùn bước.

Chiến tranh biên giới Vị Xuyên bắt đầu từ cuộc chiến ở cao điểm 1509, mà Trung Quốc thường gọi là cuộc chiến Lão Sơn, hay là trận chiến Núi Đất. Trung Quốc đã sử dụng một lực lượng khổng lồ tràn qua biên giới. Như một cựu binh Sư đoàn 313 từng nói: “Đó là kiểu lấy thịt đè người, lấy 10 đánh 1”. Đỉnh 1509 cùng một số điểm cao thấp hơn đã bị lấn chiếm. Đến tháng 9-1989, sau khi chiến sự 2 bên chấm dứt, quân Trung Quốc đã rút khỏi các cao điểm bị chiếm đóng này.

Trên mạng, có thể gặp nhiều tài liệu về “bí mật trận chiến Núi Đất”, hay một số được ngụy tạo dưới danh nghĩa “tài liệu giảng dạy của cục phòng vệ Nhật Bản”, đưa ra những thông tin bịa đặt. Để làm xác minh tính chân thực của câu chuyện, nhân dịp 27/7, ngày Thương binh - liệt sĩ, PV đã gặp gỡ những nhân chứng lịch sử của cuộc chiến, ghi lại những ký ức cả đời không quên của họ.   

Kỳ 1: Điểm cao 1509

Điểm cao 1509 là một đỉnh nằm trong dãy núi chạy sát biên giới Trung Quốc, thuộc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Đường biên giới Việt – Trung chạy qua đỉnh núi này.  Đây là vị trí có khả năng khống chế khu vực bờ bắc suối Thanh Thủy cho đến cửa khẩu Thanh Thủy phía đông sông Lô.

Điểm cao này có 3 mỏm chính, mỏm 1 ở đỉnh cao nhất của ngọn núi, mỏm 2 còn gọi là đồi cây khô (các cựu binh kể lại, lúc chưa xảy ra chiến sự, từ cao điểm 468 mọi người đã có thể nhìn thấy một thân cây khổng lồ cỡ chục người ôm, sau đó đã bị đạn pháo gọt trụi), và mỏm 3 ở bình độ 1450. Phía nam của điểm cao này là các bình độ 1400, 1200, 1100, 1000, 900, 800. Phía đông nam là bản Nậm Ngặt, tây nam là điểm cao 1545, phía chính đông là cao điểm 772, nơi một thời từng được mệnh danh là “cối xay thịt”, hay “đồi thịt băm” trong cuộc chiến 1984-1989..

Sau chiến tranh biên giới 17/2/1979, ta đã đưa bộ đội lên chốt giữ trên 1509. Thời điểm quân Trung Quốc tràn sang lấn chiếm sáng ngày 28/4/1984, đơn vị phòng ngự là Đại đội bộ binh 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 122, Sư đoàn 313. Đối mặt với một lực lượng xâm lấn đông gấp 10 lần, các chiến sĩ trẻ đã tổ chức phòng ngự kiên cường, đánh lui nhiều đợt tấn công của địch. Tuy nhiên, vì quân Trung Quốc quá đông, hỏa lực bắn không tiếc đạn, chúng ta phải rút về phía sau phòng ngự.

chien-tranh-1979-lo-voi-the-ky-va-coi-xay-thit-nguoi-o-ha-giang-2

 Điểm cao 1509

Đây là một cuộc chiến thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm của các chiến sĩ trẻ bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Cuộc tử chiến trên đỉnh 1509 đã chặn đứng bước tiến công của sư đoàn 40, quân đoàn 14, đại quân khu Côn Minh, Trung Quốc, buộc quân xâm lược phải chững lại và thay đổi chiến lược, chiến thuật.

Bản thân cái tên “Núi Đất” hay Lão Sơn vốn cũng không có thật, chỉ là cách gọi của Trung Quốc, vì khu vực 1509 không có tên riêng, chỉ có số hiệu của các điểm cao trong một dãy núi dài chạy sát biên giới Trung Quốc của tỉnh Hà Giang.

Tuy nhiên, với những chiến sĩ trở về sau cuộc tử chiến, điểm cao 1509 còn được gọi với cái tên riêng trìu mến: “Đất Mẹ”. Với họ, đó là lãnh thổ Việt Nam, và một tấc đất cũng không thể để mất vào tay quân xâm lược. Và họ tự hào rằng, được tham gia cuộc chiến bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đó là niềm vinh dự của những người lính, dù phần lớn những người lính này tuổi đời còn rất trẻ, và tham gia quân ngũ chưa lâu.

13707612_263724193995991_509919914375233677_n (1)

  Các chiến sĩ chốt giữ trên điểm cao 1509. Ảnh do cựu binh Đường Minh Tuấn cung cấp

Trên mạng, tài liệu ngụy tạo "của cục phòng vệ Nhật Bản" và một số bài viết khác nói rằng từ 1509 Trung Quốc có thể khống chế miền Bắc Việt Nam, gây suy nghĩ hoang mang cho nhiều người. Điều đó hoàn toàn giả dối. Thực tế thì phía nam suối Thanh Thủy, đối diện và cách 1509 chỉ 2-3km là dãy núi Tây Côn Lĩnh với độ cao trên dưới 2000m (cao nhất gần 2500m), không khác gì tấm lá chắn của Hà Giang. Với vị trí như vậy, trong cuộc chiến 32 năm trước, dù Trung Quốc có mang gì lên 1509 cũng không có cửa với Hà Giang chứ đừng nói tới cả miền Bắc. Và cho đến hiện tại, điểm cao 1509 đã được khôi phục đúng như trạng thái vốn có trước năm 1979.

Tại sao quân xâm lược Trung Quốc lại chọn mảnh đất biên cương Hà Giang, nơi chỉ toàn đá và đá, cheo leo hiểm trở, để làm mục tiêu xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam trong cuộc chiến 1984-1989, chứ không phải ở biên giới Lạng Sơn hay Cao Bằng như cuộc chiến tranh biên giới 1979? PV đã cố gắng đi tìm câu trả lời, nhưng vẫn nằm trong vòng bí mật.

Tuy nhiên, một số cựu binh từng trải qua cả 2 cuộc chiến chống lại quân xâm lược Trung Quốc thì cho rằng, bè lũ Đặng Tiểu Bình vẫn chưa nguôi nỗi đau thất bại trong cuộc chiến 1979. Và sau quá trình 5 năm thực hiện chính sách hiện đại hóa quân đội, chúng lại quyết tâm xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam một lần nữa.

IMG_5162

 Đài hương tưởng niệm chiến sĩ Mặt trận Vị Xuyên trên điểm cao 468

Đầu năm 1979, Đặng Tiểu Bình cùng phái đoàn Trung Quốc sang thăm Mỹ nhằm bình thường hóa quan hệ hai nước. Ngay sau đó, chúng chỉ đạo “dạy cho Việt Nam một bài học” vì đã đưa quân đánh đuổi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ ở Campuchia, một đồng minh thân cận của Trung Quốc.

Ngày 17/2/1979, quân Trung Quốc ổ ạt tràn qua 6 tỉnh biên giới phía Bắc, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, đến ngày 4/3/1979, chúng đã phải nhanh chóng rút quân trở về nước sau những thất bại nhục nhã và trước sự chống trả quyết liệt của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cho đến đầu năm 1984, nhằm hỗ trợ cho các nhóm phiến quân Khmer Đỏ đang loay hoay tìm cách nổi lên tại biên giới Thái Lan Campuchia, và nhằm trả mối hận thất bại 5 năm trước, quân Trung Quốc lại tràn sang biên giới nước ta một lần nữa.

Nhiều cựu binh khẳng định, có khả năng là chúng chọn biên giới Vị Xuyên, Hà Giang, vì những địa điểm này xa các trục đường trục chính, việc vận chuyển đi lại của ta gặp nhiều khó khăn. Một mặt khác, về phương diện thông tin thì đây là một vùng biên cương xa xôi hẻo lánh, thời đó cũng ít người biết đến. Nếu không, chúng sẽ bị cả thế giới lên án.

Ngày 2/4/1984, quân Trung Quốc bắt đầu tiến hành bắn phá, trút xuống hàng chục ngàn quả đạn pháo xuống  toàn bộ khu vực biên giới Vị Xuyên, đặc biệt là các điểm 1545, 1509, 685, 772, 1030, 400… và một số cao điểm phía đông sông Lô. Suốt hơn 3 tuần lễ, ngày nào địch cũng bắn phá ác liệt, nặng nhất vẫn là trên điểm cao 1509.

Còn tiếp…

Hải Minh

Bình luận
vtcnews.vn