Nhà báo Trần Đăng Tuấn hồi tưởng lại những gì đã diễn ra ở khuôn viên ký túc xá ĐH Tổng hợp Quốc gia Matxcơva (Lomonosov) và ở thủ đô Matxcơva khi ông còn là sinh viên trường này vào ngày Trung Quốc bất ngờ xâm lược nước ta 17/2/1979:
Tôi vẫn nhớ như mới hôm qua đêm 17/2/1979 tại Maxcơva.
Hồi đó thông tin không nhanh như bây giờ. Cho đến tối hôm đó (là gần đêm ở Việt Nam), sinh viên Việt Nam trong ký túc nhà lớn chứa hàng ngàn sinh viên (Nhà DAC của Đại học tổng hợp Lomonoxop) mới nghe sóng Đài TNVN và biết đất nước đã bị tấn công.
Bằng cách nào đó, toàn bộ sinh viên thuộc rất nhiều nước và sinh viên Liên xô ở chung trong KTX này cũng biết tin.
Các sinh viên Việt Nam thì im phăng phắc. Cảm giác của chúng tôi lúc đó là căm phẫn, và cũng day dứt có lỗi vì đang ở nơi bình yên và đầy đủ. Ngược lại, các bạn bè Liên xô và nước khác thì sôi sục, ùa vào từng phòng, tụ tập ngoài hành lang hét lên: "Рyки прочь от Вьетнама !" (Không được động đến Việt Nam!).
Có những sinh viên nước ngoài sống chung với sinh viên Việt, bình thường cũng có xích mích này nọ, nhưng lúc đó ôm lấy chúng tôi, thét lên câu trên, có người trào nước mắt. Rồi nhìn từ tầng cao qua cửa sổ, tôi thấy hàng đoàn sinh viên rời ký túc xá dẫm trên tuyết đi ra ngoài. Có ai đó nói: "Ra sứ quán Trung Quốc".
Khi chúng tôi đi xe bus đến sứ quán Trung Quốc (cũng nằm gần khu chính của Đại học quốc gia Lomonoxop) thì đã rất đông sinh viên và người dân kéo đến. Lại một lần nữa hai cảnh trái ngược: Sinh viên Việt Nam đứng lầm lì, im lặng. Sinh viên nước ngoài và thanh niên Nga thì hét rất lớn.
Trước cửa sứ quán, một hàng rào lính cảnh vệ Liên Xô xếp hàng, nhưng không có bất cứ động tác gì cả. Rồi nhiều người xông đạp tuyết tiến đến gần hàng rào ném các vật khác nhau lên tường sứ quán. Cạnh tôi có một thanh niên người Nga. Sau khi hét khản tiếng, cầm cái gì đó, hình như lọ mực, xông thẳng xuống dưới phía hàng rào cảnh vệ, ném qua hàng rào vào trong.
Một người lính trong hàng rào bảo vệ né ra nhường chỗ cho anh này xông vào gần hàng rào, rồi khi anh ấy ném xong quay ra thì lại bước lên vào vị trí cũ.
Sứ quán Trung Quốc đóng kín các cửa sổ và không bật đèn. Trên tầng thượng có một người lom khom cầm máy ảnh để chụp xuống. Chắc là để có bằng chứng về các hành vi "xâm phạm" lãnh địa sứ quán.
Sau này, tôi được biết tại một nước khác ở Đông Âu, tường sứ quán Trung Quốc bị ném lem nhem hết. Sứ quán đòi chính quyền bản địa bồi thường. Và được trả lời: "Chúng tôi sẽ có trách nhiệm bỏ tiền để xoá các vết bẩn trên tường sứ quán. Còn vết bẩn trên mặt kẻ xâm lược thì - xin lỗi - các ông phải tự mà xoá".
Những ngày sau đấy sinh viên Việt Nam ít có tâm trạng học hành. Họp đơn vị và đều sẵn sàng về nước ngay nhập ngũ. Những anh là bộ đội đi học lúc nào cũng sôi sục. Còn sinh viên Liên Xô thì họ có những hệ thống thông tin nội bộ riêng. Anh bạn Nga cùng ở với tôi vốn là sĩ quan xuất ngũ đi học. Anh nói bạn bè trong quân đội nói cho anh biết đơn vị họ trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cho cuộc chiến ở Việt Nam.
Một tối, anh hào hứng bảo tôi là vừa đi họp về. Là sĩ quan dự bị, anh nhận thông tin mọi quân nhân dự bị phải sẵn sàng trong trường hợp có lệnh động viên trở lại quân đội.
Ngày ấy không chỉ người người Việt Nam mong mỏi được có hoà bình sau bằng ấy năm chiến tranh, và mọi bạn bè quốc tế cũng không thể chấp nhận một Việt Nam lại bị tấn công sau tất cả những gì đã diễn ra mấy chục năm.
Giờ đây nhớ lại, cũng chỉ mong đến cháy lòng không bao giờ có bất cứ cuộc chiến nào như thế. Để con cháu chúng ta chỉ đi học, đi làm. Để không có ai sẽ phải cảm thương cho chúng ta. Vì dẫu thế cũng sẽ chẳng ai có thể vì chúng ta mà cầm súng.
Video: Chiến tranh biên giới 1979: Một phần không thể quên của lịch sử
Bình luận