Lòng trắng trứng thuần chay thân thiện với môi trường này được cho là một giải pháp thay thế "bền vững về mặt môi trường" cho việc nuôi gà mái đẻ.
Theo Daily Mail, các nhà nghiên cứu ở Phần Lan đã tạo ra ovalbumin - protein chính trong lòng trắng trứng từ Trichoderma reesei (T. reesei) - một loài nấm từng được sử dụng trong sản phẩm làm phân hủy quần áo.
Ovalbumin được sản xuất từ T. reesei - được gọi là "Tr-OVA" - được cho là có thể trở thành chất thay thế bền vững cho protein lòng trắng trứng gà - một thành phần được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp thực phẩm.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng Tr-OVA làm giảm gần 90% nhu cầu sử dụng đất và giảm khí nhà kính lên tới 55%, so với nuôi gà đẻ trứng truyền thống.
Hiện nay, một trong những lựa chọn ăn chay được sử dụng rộng rãi nhất để thay thế lòng trắng trứng ở nhà và trong các nhà hàng là "aquafaba" - thứ được tạo ra từ đậu gà nấu chín.
Tuy nhiên, aquafaba phải được đánh bông mạnh trong hơn 20 phút để đạt được đỉnh bông, trong khi Tr-OVA "có đặc tính tạo bông tuyệt vời" mà không cần phải quá "tốn sức".
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Đại học Helsinki cùng với Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật VTT của Phần Lan.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu cũng cho biết, việc sản xuất Tr-OVA làm giảm hầu hết các tác động liên quan đến ngành công nghiệp nuôi gà lấy trừng, chẳng hạn như sự nóng lên toàn cầu và việc sử dụng đất.
Nhà nghiên cứu Natasha Järviö tại Đại học Helsinki cho biết: "Chất ovalbumin được tạo ra từ nấm làm giảm nhu cầu sử dụng đất gần 90% và khí nhà kính từ 31-55% so với việc nuôi gà".
Các bộ phận của chuỗi sản xuất bột lòng trắng trứng được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp thực phẩm, chẳng hạn như nuôi gà để sản xuất trứng, tạo ra một lượng lớn khí thải nhà kính và góp phần làm khan hiếm nước, mất đa dạng sinh học...
Vào năm 2020, lượng tiêu thụ protein từ trứng trên toàn cầu là khoảng 1,6 triệu tấn và con số này dự kiến sẽ tăng lên trong những năm tới, làm cho vấn đề kể trên trở nên tồi tệ hơn.
Hơn nữa, chăn nuôi gà thâm canh đã dẫn đến bùng phát các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người do loài gia cầm này là nơi chứa các mầm bệnh nguy hiểm cho con người.
Bình luận