Cuối tháng 12/2023, trên đường đi làm về, anh N.T.T (SN 1998, quê Thái Nguyên) không may bị tai nạn giao thông. Anh được đưa vào Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cấp cứu, nhưng do tình trạng bệnh quá nặng, gia đình quyết định chuyển xuống Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội).
Dù các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng tiên lượng bệnh nhân quá nặng. Sau khi đánh giá các chức năng, bác sĩ xác định người bệnh rơi vào tình trạng chết não, không thể qua khỏi.
Trung tâm Ghép tạng của Bệnh viện Việt Đức vận động gia đình anh T. hiến mô tạng của người thân để đem lại cơ hội sống cho các bệnh nhân khác. Mô tạng của anh T. lấy được gồm: 2 thận, 2 giác mạc, van tim, gan.
Ông N.X.K (bố của anh T.) nói, khi nhận được tin con trai bị tai nạn ông không đứng vững, chân khụy xuống. “T. là người hiền lành, luôn sống tốt với mọi người. Khi nhận thông báo sức khoẻ T. tiên lượng xấu, gia đình vẫn hy vọng nhiều nhưng không có phép màu nào đến”, ông K. nói.
Trong giây phút gặp con lần cuối, ông K. ghé gần vào tai con thủ thỉ "hãy sống trên thân thể người khác con nhé. Kiếp sau hãy vẫn là con của bố mẹ để bố tiếp tục ôm con vào lòng".
Quyết định gửi bộ phận cơ thể con trên người khác, khiến gia đình ông T. cũng được phần nào an ủi "thấy hơi thở của con, được nghe trái tim con đập, ánh mắt con nhìn". Ông tin anh T. trên trời cao sẽ ủng hộ hành động này, vì cả đời luôn sống và nghĩ cho người khác.
Cùng thời điểm này, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng tiếp nhận bệnh nhân P.V.G (32 tuổi, Phú Thọ) cấp cứu trong tình trạng chấn thương sọ não, hôn mê sâu do tai nạn giao thông. Các bác sĩ điều trị hồi sức tích cực, song kỳ tích không đến với B. Anh được xác định chết não. Bệnh viện quyết định vận động gia đình bệnh nhân P.V.G hiến tạng có thể cứu sống nhiều cuộc đời khác.
Tạng của bệnh nhân P.V.G và N.T.T đã hồi sinh sự sống cho 8 người: 2 bệnh nhận được ghép tim, 2 bệnh nhân được ghép gan và 4 bệnh nhân được ghép thận. Đặc biệt, 2 ca ghép tim được thực hiện tại Bệnh viện Việt Đức chỉ cách nhau 8 tiếng. Trong đó có bệnh nhi mới 8 tuổi.
"Hiện tình trạng của các bệnh nhân sau ghép tặng ổn định", TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức nói.
Theo đại diện Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể, 30 năm qua, Việt Nam thực hiện hơn 6.500 ca ghép tạng. Đến nay, nước ta có 16 cơ sở y tế ghép thận, 5 nơi ghép gan, 3 nơi ghép tim và đội ngũ y bác sĩ được đào tạo chuyên sâu để thực hiện các kỹ thuật khó.
Thách thức lớn nhất của ngành ghép tạng không phải kỹ thuật khó, mà là sự khan hiếm nguồn mô tạng hiến. Hiện 95% ca ghép tạng ở Việt Nam được thực hiện từ người cho sống, chỉ 5% ca ghép từ người cho chết não. Điều này ngược với xu hướng chung của toàn thế giới khi nhiều nước đa phần ca ghép tạng là từ người cho chết não.
Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể ngườ nhận khoảng 170.000 đơn đăng ký hiến tạng sau chết, chết não. Nhiều gia đình gồm cha con, vợ chồng, anh chị em cùng đăng ký hiến tạng.
Số người đăng ký tập trung chủ yếu tại hai đơn vị Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia - 32.851 trường hợp và Bệnh viện Chợ Rẫy 36.641 trường hợp, số còn lại được đăng ký qua các hình thức khác.
Số lượng người được ghép tạng hiện vẫn chưa cao do số lượng người hiến mô/ tạng trên thực tế còn hạn chế. Số bệnh nhân có chỉ định chờ ghép tạng ước tính có khoảng 123.000 người.
Bình luận