• Zalo

Người phụ nữ mắc ung thư vượt định kiến hiến tạng chồng cứu 4 người xa lạ

Tin tứcThứ Tư, 22/11/2023 15:25:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Bị ung thư tuyến giáp, chồng không may chết não do đột quỵ, chị Hòa bỏ ngoài tai điều tiếng, dị nghị, quyết thực hiện tâm nguyện của anh - hiến tạng cho y học.

Hơn 2 tháng kể từ ngày anh Đặng Trịnh Bộ (SN 1980) ra đi mãi mãi, cuộc sống của chị Nguyễn Thị Hoà (SN 1985, xã Quất Động, Thường Tín, Hà Nội) vẫn rất chông chênh, trống vắng. Chị được an ủi phần nào khi biết phần cơ thể của chồng vẫn tiếp tục sống khoẻ mạnh trong 4 người khác. 

Chị Hoà tranh thủ phân loại phế liệu trước cửa nhà tại làng Quất Động, ngày 15/11. (Ảnh: Như Loan)

Chị Hoà tranh thủ phân loại phế liệu trước cửa nhà tại làng Quất Động, ngày 15/11. (Ảnh: Như Loan)

Vượt điều tiếng, hiến tạng chồng cứu người

Năm 2009, một lần xem chương trình truyền hình nói về phụ nữ bán hàng vỉa hè tình nguyện hiến tạng sau khi qua đời, hai vợ chồng chị Hòa cũng thống nhất sẽ hiến tạng khi qua đời. "Hiến tạng là đem lại cuộc sống mới cho người cần một phần thân thể mình", câu nói trong chương trình khiến cả hai mãi suy nghĩ.

Năm tháng trôi qua, anh chị bị cuốn vào vòng mưu sinh, không ai nhắc đến việc hiến tạng, cho đến năm 2015, khi con trai lên 3 tuổi, chị Hòa bị sụt cân trầm trọng. Nhiều người cho rằng chị bị hậu sản, khuyên đi khám. Điều trị và uống thuốc trong nhiều năm, nhưng bệnh của chị không thuyên giảm.

Đầu năm nay, chị phát hiện mắc ung thư tuyến giáp giai đoạn một, chuyển sang Bệnh viện Ung bướu Hà Nội điều trị. Tháng 6/2023, chị phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, vét hạch cổ và thực hiện xạ trị bằng liệu pháp uống i-ốt phóng xạ. 

Suốt thời gian nằm viện, chị làm bạn với chiếc ti vi, không ít lần chị khóc nghẹn khi xem chương trình nói về bệnh nhân chờ ghép gan ba năm phải đầu hàng số phận do không có người hiến tạng. Lúc này chị bỗng nhớ tới lời cam kết với chồng.

Ngày xạ trị cuối cùng của đợt điều trị đó cũng là lúc chị nhận hung tin chồng gặp nạn, cấp cứu tại Bệnh viện Nông nghiệp. “Hôm đó anh vẫn đi chở hàng, khi ngồi nghỉ tại nhà người quen, anh bất ngờ ngã khuỵ”, chị Hoà kể lại sau khi xem camera tại nơi xảy ra sự việc.

Sau ba ngày hồi sức tích cực, tình trạng không chuyển biến, bác sĩ chẩn đoán anh chết não. Khi gia đình chuẩn bị đưa về quê lo hậu sự, chị bỗng nhớ tới lời dặn của chồng năm nào. Thực hiện tâm nguyện đó, chị Hoà nén đau thương, vượt điều tiếng quyết định chuyển anh lên Bệnh viện Việt Đức để bày tỏ mong muốn hiến tạng của chồng.

Quyết định đó của chị khiến nhiều người dị nghị "làm vậy thì người mất không còn nguyên vẹn, rất đau đớn”, “bán tạng của chồng không biết được bao nhiêu tiền?”, “không để chồng yên ổn”. Ban đầu chị Hoà còn giải thích, nhưng về sau chỉ đáp ngắn gọn “gia đình tự nguyện hiến tạng, chỉ mong cứu người, không màng báo đáp”.

Sau phẫu thuật hiến tạng, chị Hòa nhờ bệnh viện lo hậu sự cho chồng, lấy tro cốt về quê nhà an táng. Hơn một tháng sau, chị quay lại bệnh viện hoàn thành nốt các thủ tục, đồng thời đăng ký hiến tạng. Tại buổi gặp mặt hôm đó, chị Hoà xúc động khi biết 4 người nhận tạng của chồng chị sức khoẻ đều tiến triển tốt.

Chị Hoà nhìn lại những bức hình được truyền thông lan toả nghĩa cử cao đẹp của hai vợ chồng. (Ảnh: Như Loan)

Chị Hoà nhìn lại những bức hình được truyền thông lan toả nghĩa cử cao đẹp của hai vợ chồng. (Ảnh: Như Loan)

Nên duyên từ gánh đồng nát

Khi còn sống, anh Bộ là người khuyết tật, lưng gù gập. Hàng ngày, anh lái xe ba gác từ xã Quất Động vào trung tâm Hà Nội chở hàng thuê.

Năm 2006, anh quen chị Hòa trong lần chị làm giúp việc trên phố Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm). Khi đó, ngoài thời gian làm việc cho chủ nhà, chị cũng thu gom đồng nát để kiếm thêm. Một lần chị mua được lượng lớn những tấm pallet gỗ, phải gọi xe ba bánh của anh Bộ đến chở đi. Từ ngày đó, những câu chuyện không đầu cuối đã giúp cả hai đến gần nhau hơn.

Quen anh Bộ, chị không giấu hoàn cảnh gia đình - mẹ bỏ đi khi con gái mới 3 tuổi, người bố mù lòa phát bệnh thần kinh. 15 tuổi, chị từ quê Sóc Sơn lên thành phố vừa làm giúp việc vừa nhặt ve chai.

Quen chị Hoà, anh Bộ như tìm được nơi để trút bầu tâm sự sau ngày dài mướt mải mưu sinh. Hai năm tìm hiểu, anh chị quyết định xây dựng tổ ấm, họ sống trong căn nhà vỏn vẹn 9m2 lợp mái tôn bên ngoài sân nhà bố mẹ anh Bộ. Cả hai mơ ước ngày nào đó xây được căn nhà nhỏ như hàng xóm.

Hàng ngày, anh Bộ chạy xe ba gác thuê, còn chị Hòa đi xe buýt lên Hà Nội làm giúp việc, nhặt ve chai. Đến chiều, anh gom ve chai, chở vợ về nhà. Khoản thu nhập không mấy dư dả, chỉ đủ chi tiêu qua ngày.

Năm 2011, sau sinh con gái đầu lòng, vợ chồng anh Bộ bàn nhau vay mượn thêm, xây căn nhà một tầng. Một năm sau, chị Hòa đón bố đẻ từ bệnh viện tâm thần về phụng dưỡng.

Giờ đây, khi không còn chồng, chị Hoà phải làm việc gấp 5, gấp 10 lần để kiếm thêm thu nhập lo cho bố đẻ bị tâm thần, mù lòa và 2 đứa con thơ dại. Mỗi ngày, chị làm đủ việc, miễn có người thuê mướn, từ giúp việc, nhặt ve chai, đến cấy lúa.

Thương cảm với số phận người goá phụ trẻ, nhiều người khuyên chị nên xin vào danh sách hộ nghèo nhưng chị kiên quyết từ chối với lý do “còn nhiều người khó khăn hơn, còn có nhà để ở, thóc gạo để ăn thì sao gọi là nghèo”.  

Với chị Hoà, có nhà cửa nghĩa là hoàn cảnh mình đã hơn nhiều người khác, dù tiền vay nợ xây nhà vẫn chưa trả hết. Chị trồng rau, nuôi lợn, mỗi vụ cấy một mẫu lúa vừa đủ ăn vừa bán, kiếm thêm thu nhập.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ làng Quất Động cho biết, ở địa phương anh Bộ là trường hợp đầu tiên đăng ký hiến tạng sau khi qua đời. Từ trước đến nay, dân làng chưa từng nghĩ và biết đến việc hiến tạng/mô tạng.

“Chúng tôi rất cảm động trước hành động không nhiều người dám làm của vợ chồng chị Hoà. Đây là nghĩa cử cao đẹp. Việc làm của vợ chồng chị Hoà giúp những người bệnh giai đoạn cuối đang khắc khoải giành lấy sự sống từ tay tử thần”, bà Vân Anh nói.

NHƯ LOAN
Bình luận
vtcnews.vn