Theo PCG, trong các bức ảnh chụp ngày 13 và 14/4, tàu Philippines tiếp cận 7 tàu Trung Quốc đang neo đậu ở khu vực. Cảnh sát biển Philippines cho biết họ đi tuần tra khu vực này cùng 2 tàu nhỏ của cơ quan tài nguyên và thủy sản.
Trong khi đi tuần, PCG cử 2 tàu cao su đến gần các tàu Trung Quốc đang neo. Tuy nhiên họ không tiết lộ chi tiết chuyện gì xảy ra tiếp theo.
Trước đó, cơ quan chức năng Philippines cho biết hơn 200 tàu Trung Quốc lảng vảng neo đậu ở khu vực đá Ba Đầu. Tính đến cuối tháng 3, tại đây vẫn còn khoảng 40 tàu.
Philippines tuần này tiếp tục gửi công hàm phản đối sự hiện diện của các tàu Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh rút tàu về. Manila cam kết gửi công hàm phản đối liên tục mỗi ngày cho đến khi tàu cuối cùng của Trung Quốc rời đi.
Đá Ba Đầu, gần đảo Sinh Tồn Đông, thuộc cụm Sinh Tồn, nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hơn 200 tàu cá Trung Quốc được phát hiện neo đậu ở khu vực đầu tháng 3. Trả lời câu hỏi của phóng viên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về Ứng xử của các nước ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
"Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Là quốc gia biển và là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập bởi Công ước", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ.
Bình luận