• Zalo

Bộ tứ hợp tác đối phó với 'chiến tranh không tuyên bố' của Trung Quốc

Tư liệuThứ Sáu, 16/04/2021 11:25:15 +07:00Google News
(VTC News) -

Hôm 15/4, một quan chức quân sự cấp cao Ấn Độ nói Trung Quốc đang tiến hành “chiến tranh không tuyên bố" chống lại Ấn Độ thông qua các cuộc tấn công mạng.

Chính quyền Bắc Kinh đang hành động quyết đoán hơn nhờ sở hữu "các công nghệ gây rối có khả năng làm tê liệt hệ thống của đối thủ”. Theo phát biểu của tướng Bipin Rawat, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Ấn Độ, tại diễn đàn trực tuyến Đối thoại Raisina do chính quyền New Delhi tổ chức.

Tướng Rawat cho rằng Trung Quốc đang sử dụng công nghệ gây rối nhằm đẩy các nước khác vào khủng hoảng và buộc họ tuân theo chính quyền Bắc Kinh: “Những cuộc khủng hoảng bất thường, được dẫn dắt bằng cách khéo léo vận dụng các công nghệ gây rối, có thể dẫn đến những hậu quả như tê liệt mạng, sự cố hệ thống ngân hàng, mạng lưới điện, giao thông và thông tin liên lạc”.

Bộ tứ hợp tác đối phó với 'chiến tranh không tuyên bố' của Trung Quốc - 1

Tướng Rawat cho rằng Trung Quốc đang sử dụng công nghệ gây rối nhằm đẩy các nước khác vào khủng hoảng và buộc họ tuân theo chính quyền Bắc Kinh. (Ảnh: Bloomberg)

Ông Rawat đưa ra dẫn chứng về một số cuộc tấn công mạng ở Ấn Độ có liên quan tới Trung Quốc. Hồi tháng 2, công ty an ninh mạng Recorded Future tại Massachusetts cáo buộc một số nhóm tin tặc, do nhà nước Trung Quốc bảo trợ, đã cài phần mềm độc hại vào các cơ sở hạ tầng mạng quan trọng của Ấn Độ.

Vào tháng 10/2020, trung tâm tài chính Mumbai của Ấn Độ bị mất điện cả ngày. Sự cố này khiến hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán, giao thông vận tải cũng như các cơ sở y tế của thành phố sụp đổ. Theo các quan chức Mumbai, sự cố mất điện xảy ra do thành phố bị công mạng.

Tổng tham mưu trưởng Ấn Độ cho rằng chính quyền Bắc Kinh “cảm thấy họ có thể áp đặt ý muốn của mình lên các quốc gia khác” nhờ sở hữu nhiều công nghệ gây rối tiên tiến. Theo ông, Trung Quốc đang cảnh báo rằng các nước khác cần tuân theo các điều khoản của họ, nếu không muốn bị can thiệp bằng công nghệ.

Một Trung Quốc đầy quyết đoán đang ám chỉ với Ấn Độ rằng: tuân theo ‘cách của chúng tôi hoặc không có cách nào khác’ ”, tướng Rawat nói.

Ông Rawat gọi hành động của chính quyền Bắc Kinh là “cuộc chiến tranh không được tuyên bố”. Theo ông, kiểu gây hấn này khiến đối thủ của Trung Quốc khó xử khi đưa quyết định có nên dùng vũ lực để đáp trả hay không.

Vị tướng Ấn Độ cũng khẳng định nước này sẽ không nhượng bộ: "Qua việc không chùn bước tại biên giới phía Bắc, Ấn Độ đã thể hiện rằng sẽ không bị thao túng".

Bộ tứ hợp tác đối phó với 'chiến tranh không tuyên bố' của Trung Quốc - 2

Trung Quốc đang tiến hành “chiến tranh không công bố" chống lại Ấn Độ. (Ảnh: Shutterstock)

Bộ tứ hợp tác kiềm chế một nước

Tham gia cùng ông Rawat tại diễn đàn Đối thoại Raisina có: Tim Cahill, Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực phòng không và phòng thủ tên lửa của Lockheed Martin, Tổng tư lệnh quân đội Australia Angus Campbell và người đồng cấp Nhật Bản Koji Yamazaki.

Tổng tham mưu trưởng Bipin Rawat, nói rằng Ấn Độ được hậu thuẫn mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế: “Cộng đồng quốc tế đã ủng hộ chúng tôi, qua đó khẳng định trật tự dựa trên luật lệ quốc tế mà mọi quốc gia phải tuân theo”.

Các khách mời của Đối thoại Raisina đến từ Bộ tứ. Đây là nhóm các nước do Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Mỹ thành lập để hợp tác kiềm chế Trung Quốc. Nhóm đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh chung vào tháng trước và cam kết tăng cường hợp tác tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Cuộc họp (của Bộ tứ) là sự kiện lịch sử đánh dấu sự hình thành và phát triển của động lực chung giữa các quốc gia có cùng chí hướng trong khu vực”. Thủ tướng Australia Scott Morrison phát biểu tại Đối thoại Raisina. Ông cho biết thêm bốn nước đang tìm cách đạt được “sự cân bằng mang tính chiến lược và lâu bền" trong khu vực.

Thủ tướng Australia không chỉ trích đích danh Trung Quốc. Ông nói khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là "tâm điểm của cạnh tranh chiến lược, nơi xuất hiện ngày càng nhiều yêu sách về lãnh thổ và việc hiện đại hóa quân sự diễn ra với tốc độ chưa từng có”. Theo ông Morrison, các quốc gia dân chủ ở khu vực này đang “bị đe dọa và cưỡng ép bởi sự can thiệp của nước ngoài" .

Mối quan hệ kinh tế và ngoại giao giữa Australia và Trung Quốc rạn nứt sau khi chính quyền Canberra gia nhập nhóm các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu trong việc kêu gọi điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19.

Bộ tứ hợp tác đối phó với 'chiến tranh không tuyên bố' của Trung Quốc - 3

Trực thăng hạ cánh trên một tàu sân bay trong giai đoạn hai của cuộc tập trận hải quân Malabar 2020, tổ chức bởi Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Australia. (Ảnh: AP)

Chính sách của Bộ tứ

Các quan chức quân đội hàng đầu từ bốn nước cũng đặc biệt quan tâm đến tình hình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tổng tư lệnh quân đội Nhật Bản Yamazaki cho biết Trung Quốc “không công nhận các lợi ích hợp pháp của Nhật Bản” trong khu vực. Biểu hiện qua luật tuần duyên mới của Bắc Kinh, cho phép hải cảnh Trung Quốc bắn tàu nước ngoài tại những vùng nước này tuyên bố chủ quyền. Ông Yamazaki nhận xét Trung Quốc đang sử dụng luật pháp của mình để thay đổi trật tự quốc tế.

Ông Yamazaki nói thêm rằng những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thay đổi hiện trạng trong khu vực là “gây bất ổn và nguy hiểm”.

Bộ tứ hợp tác đối phó với 'chiến tranh không tuyên bố' của Trung Quốc - 4

Hải quân Mỹ và Australia cùng tuần tra trên Biển Đông. (Ảnh: Reuters) 

Người đồng cấp Australia Angus Campbell đồng ý với một số ý kiến của ông Yamazaki. Ông Campbell cũng cho biết nhiều nước đang hợp tác tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để "tìm kiếm lợi ích chung", nhưng không nêu đích danh Bộ tứ.

Tổng tư lệnh Yamazaki bày tỏ Bộ tứ là một liên minh “rất có giá trị”: “Để hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, chúng tôi sẽ liên minh và hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Australia và Ấn Độ theo nhiều biện pháp và sáng kiến khác nhau”.

Trần Trang
Bình luận
vtcnews.vn