“Béo phì ở tuổi trung niên” là một trong những nỗi lo lắng của người sau 50 tuổi. Lý do, béo phì dễ gây ra các căn bệnh nguy hiểm như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch. Những người bước vào tuổi trung niên thường sẽ áp dụng nhiều phương pháp khác nhau, giúp giảm cân và ổn định cân nặng ở mức hợp lý.
Mối liên hệ giữa cân nặng và tuổi thọ
Theo nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Đại học Rutgers ở New Jersey - Mỹ, họ nghiên cứu trên 550.000 người trưởng thành có độ tuổi trung bình là 46 tuổi trong khoảng thời gian 20 năm.
Kết quả cho thấy, những người trong nhóm thừa cân có chỉ số BMI từ 25 đến 29,9 nguy cơ tử vong thấp hơn. Cụ thể, người có chỉ số BMI 25-27,4 nguy cơ tử vong thấp hơn 5% so với người có cân nặng bình thường. Người có chỉ số BMI từ 27,5-29,9 nguy cơ tử vong thấp hơn 7%.
Điều này cho thấy, trong giới hạn nhất định, thừa cân nhẹ không hẳn là điều xấu. Trên cơ sở duy trì lối sống lành mạnh, thừa cân ở mức độ vừa phải có thể làm giảm nguy cơ tử vong, nhưng cũng cần cẩn thận để tránh béo phì quá mức.
Sau 50 tuổi, duy trì cân nặng ở mức nào?
Đại học Ohio State từng nghiên cứu và phát hiện ra rằng những người hơi béo nhưng cân nặng tương đối ổn định sẽ có tuổi thọ dài hơn sau 50 tuổi. Để đánh giá độ béo, độ gầy của bản thân, có thể tham khảo công thức tính do Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra: BMI (Chỉ số khối cơ thể) = cân nặng (kg)/chiều cao bình phương (m).
Các chuyên gia khuyến cáo giá trị BMI của người cao tuổi nên được duy trì ở mức 20-26,9. Ngoài ra, vòng eo cũng có mối liên hệ với tuổi thọ và bệnh tật, trở thành một trong những thước đo quan trọng. Vòng eo của nam giới nên nhỏ hơn 85cm và nữ giới nên nhỏ hơn 80cm.
Chế độ giúp duy trì cân nặng lý tưởng
Bạn nên có chế độ ăn uống lành mạnh, không ăn kiêng tiêu cực. Ngoài ra, bạn nên thường xuyên vận động nhẹ nhàng, tránh ngồi quá lâu một chỗ, duy trì tinh thần sống thoải mái, lạc quan và yêu đời.
Bình luận