Từ lâu nay, làng Đại Hoàng (hay làng Nhân Hậu) thuộc xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam nổi tiếng với nhiều sản vật quý, trong đó món cá kho truyền thống trở thành thương hiệu được nhiều khách trong và ngoài nước biết đến.
Mỗi dịp Tết đến, đặc sản đắt đỏ này lại được chuyển đi khắp nơi trên cả nước để phục vụ nhu cầu tăng đột biến của khách hàng. Nếu chuyển bằng máy bay đến miền Trung hay miền Nam, khách hàng phải trả thêm 150.000 đồng tiền phí. Còn nếu vận chuyển bằng ô tô với khoảng cách từ 50km trở lên, mỗi niêu cá đắt thêm 100.000 đồng.
Món cá kho ở đây có nhiều tên gọi khác nhau như: Cá kho Bá Kiến; cá kho Đại Hoàng; cá kho Hà Nam; cá kho Nhân Hậu…song bí quyết để thực khách nhớ mãi không chỉ ở tên thương hiệu mà chính từ hương vị đặc trưng, hiếm nơi nào có được.
Để có một nồi cá kho thơm ngon chuẩn vị, các hộ làm cá kho phải luôn có người túc trực để canh lửa. Sau hơn 10 giờ nấu liên tục, niêu cá kho mới đủ yêu cầu để mang đi tiêu thụ.
Muốn nồi cá thơm ngon, trước tiên phải lựa chọn cá trắm đen từ 7- 10kg/con. Cá sẽ được ướp mắm muối, chanh, riềng, gừng…trong khoảng thời gian nhất định và kho từ 10 - 12 giờ. Củi để đun cá phải là củi nhãn để lửa cháy đượm, thơm mùi gỗ. Khi bắc nồi lên đun phải giữ cho đều lửa.
Nồi để kho cá cũng được người dân ở Vũ Đại chọn mua tỉ mỉ từ Nghệ An để khi kho lên thì miếng cá cũng thơm hơn, vung thì nhập từ Thanh Hóa.
Chị Trần Thu Hường, chủ cơ sở “Cá kho làng Vũ Đại quê anh Chí”, cho biết, niêu cá rẻ nhất có giá 500.000 đồng với 2kg, loại 4kg có giá 1 triệu đồng và loại lớn nhất là 6kg có giá 1,5 triệu đồng.
"Nhà tôi kho cá quanh năm, sau đó đóng thùng xốp gửi đi cho khách hàng. Mỗi tháng tôi kho khoảng 2.000 nồi. Riêng dịp Tết, lượng cá được tiêu thụ khoảng 4.000 nồi, gửi đi cho thực khách khắp cả nước. Nếu khách hàng ở phía Nam, niêu cá sẽ được gửi lên sân bay Nội Bài để chuyển lên máy bay".
Ông Trần Huy Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hậu cho biết, hiện toàn xã có 6.000 hộ gia đình, trong đó có gần 300 hộ sản xuất, chế biến cá kho.
“Khoảng 10 năm trở lại đây, nghề làm cá kho đã đem lại thu nhập ổn định cho nhiều người dân trong xã. Có gia đình xây được nhà cửa khang trang, đời sống ấm no, sung túc hơn nhờ nghề kho cá truyền thống được đưa vào kinh doanh, kể cả xuất khẩu ra nước ngoài”, ông Tân nói.
Để xây dựng thương hiệu, xã cũng vận động người dân thành lập Hiệp hội cá kho với khoảng 30 hội viên tham gia được chứng nhận OCOP.
Từ khi tham gia, các hội viên đã đặc biệt chú ý đến việc bảo vệ thương hiệu, trong đó quan tâm nhất là vấn đề an toàn thực phẩm.
"Hàng tháng, hàng quý, xã cũng tổ chức đi kiểm tra công tác vệ sinh thực phẩm để đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và giữ vững thương hiệu lâu đời”, ông Tân nói thêm.
Bình luận