Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, lần đầu tiên thẩm định sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh tự chọn có đặc thù là sách học tiếng bản ngữ, vì vậy khi biên soạn chương trình, biên soạn SGK tham khảo nhiều nguồn dữ liệu, nhà xuất bản nổi tiếng khác.
Các tác giả người Việt Nam biên soạn SGK tiếng Anh có tham khảo nhiều nguồn học liệu, các tác giả nổi tiếng, các tác giả người nước ngoài, kế thừa cái hay của họ để xây dựng cuốn sách của riêng mình.
“Đến thời điểm này, có thể khẳng định là tất cả các cuốn tiếng Anh vừa biên soạn được Việt hoá bằng tác giả của người Việt”, ông Tài nói.
Ông Tài cũng cho biết, trong quá trình thẩm định, Bộ GD&ĐT xin tham vấn ý kiến của rất nhiều đơn vị. Bộ chỉ công bố những sách có tác giả người Việt và có tham khảo các tài liệu nước ngoài. Còn người nước ngoài biên soạn sách tiếng Anh theo Thông tư 33 Bộ GD&ĐT không đồng ý phê duyệt.
Lý giải nguyên nhân chậm công bố SGK tiếng Anh, ông Thái Văn Tài cho biết, vì sách có liên quan đến dữ liệu có nguồn tham khảo nước ngoài, giữa các nhà xuất bản với nhau nên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cực kỳ thận trọng, tránh chuyện tranh chấp về bản quyền. Trong SGK Tiếng Anh mới có tham khảo các tài liệu thì phải dẫn nguồn theo đúng thông lệ quốc tế và Bộ GD&ĐT cũng đã làm việc các bên liên quan.
Chậm công bố SGK vì tác giả là người nước ngoài?
Cuối tháng 11/2019, 38 SGK lọt qua vòng thẩm định nhưng chỉ có 32 SGK được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký thông qua. Còn 6 SGK tiếng Anh áp dụng cho năm học tới sẽ được thông qua cùng đợt với những bản thảo “Chưa đạt” yêu cầu thẩm định lại.
Khi đó, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT cho biết, trong số 6 SGK tiếng Anh thì Nhà xuất bản TP.HCM có 2 cuốn do 2 tác giả người Mỹ biên soạn. Phía tác giả làm việc với Nhà xuất bản TP.HCM và sửa lại theo chương trình Việt Nam.
Việc này khác với giáo trình nhập khẩu nguyên chiếc thông qua các công ty do nhà nước chỉ định. GS Thuyết cũng cho rằng, trong quá trình hội nhập, việc dùng giáo trình nước ngoài, biến hoá, chỉnh sửa phù hợp với chương trình trong nước là bình thường. Ở các quốc gia như Hi Lạp, Malaysia, Thái Lan, Châu Phi…đều có cách làm như vậy.
Tuy nhiên, Thông tư 33 quy định, nếu sử dụng SGK của nước ngoài làm SGK của Việt Nam cần có quy định, tiêu chuẩn riêng. Cụ thể, Thông tư quy định về quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK quy định người biên soạn phải có: “đầy đủ quyền công dân, phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt”.
Việc nhập khẩu SGK tiếng Anh sẽ có sự khác biệt về quy trình biên soạn, thực nghiệm và quan trọng là vướng cả thủ tục pháp lý.
Vì vậy, đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT vẫn chưa công bố được 6 SGK tiếng Anh vì phải giải quyết nhiều nội dung liên quan đến tính pháp lý.
Bình luận