• Zalo

Các nhà xuất bản sẽ đăng tải sách giáo khoa mới lên mạng

Tin tức - Sự kiệnThứ Hai, 30/12/2019 11:19:55 +07:00Google News
(VTC News) -

Một số nhà xuất bản đang lập trang web riêng của bộ sách để công khai toàn bộ bản mềm sách giáo khoa lên mạng, để toàn xã hội có thể tiếp cận thông tin và trao đổi trực tiếp giữa giáo viên và người biên soạn.

Đó là thông tin được các nhà xuất bản đưa ra trong bối cảnh giáo viên cả nước nóng lòng mong bộ sách giáo khoa lớp 1 mới, trước khi chốt phương án chọn sách vào tháng 3/2020 theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Đăng tải công khai sách giáo khoa mới

Tại hội nghị trực tuyến của Sở GD&ĐT Hà Nội mới đây, đại diện các nhà xuất bản và tác giả của 5 bộ sách giáo khoa lần lượt giới thiệu khái quát về các bộ sách gồm: Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống; Cùng học để phát triển năng lực; Chân trời sáng tạo; Vì sự tiến bộ và dân chủ trong giáo dục.

Nắm bắt nhu cầu muốn sớm được tiếp cận với các bộ sách giáo khoa mới của giáo viên cơ sở, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ngỏ ý sẽ “bán chịu” sách để giáo viên kịp tham khảo, khi nào có giá bán thì mới thu tiền.

Các nhà xuất bản sẽ đăng tải sách giáo khoa mới lên mạng - 1

Hội nghị trực tuyến giới thiệu 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức mới đây.

Gợi ý này vấp phải sự phản đối của bà Vương Thị Minh Hải, Phó trưởng phòng GD&ĐT thị xã Sơn Tây. Theo bà Hải, sách mới có càng sớm càng tốt để nhà trường tìm hiểu, thông tin tuyên truyền đến phụ huynh học sinh chuẩn bị tốt nhất trước năm học mới.

"Nhưng địa phương và nhà trường không có tiền để chi trả cho việc thẩm định sách. Nên các đơn vị có nhã ý giới thiệu sách để chúng tôi lựa chọn thì gửi sách cho chúng tôi mượn. Chúng tôi cam kết khi chọn xong sẽ trả lại sách mẫu chứ không “mua chịu” hay mua rẻ”, bà Hải nói.

Đồng quan điểm, ông Ngô Văn Chức, Phó trưởng phòng GD&ĐT Sóc Sơn cho rằng, giải pháp khả thi nhất mà các nhà xuất bản nên làm là giới thiệu toàn bộ các bản mẫu 32 cuốn sách giáo khoa lên trang web chính thức của mình. Từ đó, ai cũng có thể đọc, tìm hiểu và nghiên cứu sách được phê duyệt, thay vì phải chờ đợi định giá và có sách bán trên thị trường mới mua được.

Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, đây là đề nghị hợp lý và không khó thực hiện. Các nhà xuất bản cần sớm xây dựng cổng thông tin điện tử để đăng tải toàn bộ sách giáo khoa mới cùng các tài liệu liên quan trong quá trình triển khai biên soạn bộ sách. Từ đó thiết lập các kênh tương tác để giáo viên các trường tham khảo, trao đổi trực tuyến khi có bất cứ thắc mắc nào.

Trả lời vấn đề này, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nói, cổng thông tin điện tử của nhà xuất bản đang được xây dựng. Cổng sẽ là kênh chia sẻ, giao lưu, trao đổi, giải đáp thắc mắc giữa các tổng chủ biên, chủ biên, tác giả sách giáo khoa với cán bộ quản lý, giáo viên các địa phương về những vấn đề chưa rõ, nội dung cần góp ý.

Tương tự, nhóm tác giả bộ sách giáo khoa Cánh diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm cũng đang lập trang web riêng của bộ sách, để công khai toàn bộ bản mềm sách giáo khoa lên cho toàn xã hội có thể tiếp cận, bên cạnh việc thông tin và trao đổi trực tiếp, giải đáp thắc mắc cho cán bộ, giáo viên qua nhiều kênh liên lạc như email, điện thoại...

“Nóng lòng” đợi sách mẫu

Tại hội nghị hầu hết lãnh đạo phòng GD&ĐT và các trường ở các quận, huyện của thủ đô… đều nóng lòng và đưa ra đề xuất là các cơ sở giáo dục sớm có đầy đủ cả 5 bộ sách lớp 1 để nghiên cứu, tìm hiểu và dạy thử… cho học sinh.

Bà Nguyễn Diệu Ánh, Phòng GD&ĐT Hoàn Kiếm cho biết, hiện giáo viên chưa được tiếp cận đầy đủ 32 đầu sách do Bộ phê duyệt. Nếu không được sớm tiếp cận và tìm hiểu sẽ khó có đủ thời gian để chọn sách.

Các trường tiểu học nói chung và giáo viên dự kiến dạy lớp 1 của quận rất mong muốn dự thảo Thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục sớm được ban hành. Từ đó nhà trường mới lên phương án về nhân sự trong hội đồng cũng như quy trình chọn sách.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng GD&ĐT Thạch Thất, để giáo viên đánh giá và đề xuất nên lựa chọn sách nào thì ít nhất trong tay phải có cuốn sách đó. Đề nghị Sở có hướng giải quyết để ít nhất mỗi nhà trường phải có đủ 5 bộ sách.

Tiếp thu ý kiến, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội bày tỏ đó cũng là điều Sở muốn. Mong muốn các nhà xuất bản có cách thức nào đó gửi cho các phòng giáo dục một số lượng nhất định các bản mẫu sách giáo khoa mới để các trường và giáo viên sớm tiếp cận và nghiên cứu.

Đồng thời, trong khi chờ hướng dẫn chính thức của Bộ GD&ĐT về việc lựa chọn sách giáo khoa, ông Tiến đề nghị các phòng GD&ĐT cần quan tâm chú trọng đến việc lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dự kiến sẽ dạy lớp 1 trong năm học tới cũng như đầu tư điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất cho khối lớp này.

 

 

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn