Trong công văn gửi các nhà xuất bản có sách giáo khoa mới được phê duyệt hồi tháng 11/2019, Bộ GĐ&ĐT yêu cầu sớm cung cấp thông tin cho các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Các nhà xuất bản cần tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo viên, cha mẹ học sinh được tiếp cận thông tin về sách giáo khoa nhanh chóng, tiết kiệm, hiệu quả và đầy đủ cho từng môn học, để thực hiện việc lựa chọn sách theo Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Thời gian triển khai cung cấp sách giáo khoa lớp 1 đến các địa phương hoàn thành trước ngày 15/1/2020.
Bộ GD&ĐT đồng thời đề nghị các nhà xuất bản khẩn trương thực hiện các thủ tục để kịp thời công bố giá của mỗi cuốn sách giáo khoa lớp 1 đạt tiểu chuẩn trước ngày 15/2/2020. Phục vụ tối đa cho các cơ sở giáo dục phổ thông, các địa phương có thông tin đầy đủ trước khi tổ chức lựa chọn sách giáo khoa vào tháng 3/2020.
Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội ban hành ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông quy định, một chương trình giáo phổ thông mới có thể giảng dạy bằng một số bộ sách giáo khoa khác nhau.
Do đó, để đáp ứng được mục tiêu là năm học đầu tiên đưa vào áp dụng chương trình phổ thông mới, nhiều nhà xuất bản tích cực tham gia biên soạn một số bộ sách giáo khoa khác nhau nhằm đa dạng hóa cách tiếp cận.
Cùng với đó, theo tinh thần của Nghị quyết 88, năm học 2020- 2021 các cơ sở giáo dục phổ thông, trường tiểu học được phép tham gia lựa chọn và quyết định bộ sách giáo khoa sẽ sử dụng trong giảng dạy học tập tại trường.
Bộ GD&ĐT đang khẩn trương công bố và lấy ý kiến góp ý rộng rãi của dư luận về dự thảo thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trong năm học 2020- 2021 tới đây được tốt nhất.
Ngày 28/12 mới đây, tại hội nghị trực tuyến của Sở GD&ĐT Hà Nội, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. nhóm tác giả bộ sách giáo khoa Cánh diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm hứa với các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên sẽ xây dựng một cổng thông tin điện tử riêng. Việc này nhằm công khai toàn bộ bản mềm sách giáo khoa lên cho toàn xã hội có thể tiếp cận.
Đại diện 2 nhà xuất bản đều khẳng định, cổng thông tin này sẽ là kênh chia sẻ, giao lưu, trao đổi, giải đáp thắc mắc giữa các tổng chủ biên, chủ biên, tác giả sách giáo khoa với cán bộ quản lý, giáo viên các địa phương về những vấn đề chưa rõ, nội dung cần góp ý.
Bình luận