• Zalo

Bệnh viện trao nhầm con ở Hà Nội phải bồi thường cho 2 gia đình thế nào?

Pháp luậtThứ Bảy, 14/07/2018 16:32:00 +07:00Google News

Theo luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), số tiền mà bệnh viện phải bồi thường phụ thuộc vào khả năng các gia đình cung cấp căn cứ chứng minh thiệt hại cho Tòa án.

Liên quan việc trao nhầm con ở Bệnh viên Đa khoa Ba Vì (Hà Nội), chiều 14/7, trả lời PV VTC News, luật sư Quách Thành Lực thông tin về vấn đề làm rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bệnh viện đối với gia đình anh Phùng Giang Sơn và gia đình chị Vũ Thị Hương.

Luật sư Quách Thành Lực cho biết, trường hợp bên thiệt hại chứng minh được các tổn thất tinh thần, vật chất có quan hệ nhân quả trực tiếp từ hành vi trao nhầm con của cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa Ba Vì thì bệnh viện phải bồi thường toàn bộ.

Theo luật sư Lực, vì các bên không tự thỏa thuận được và làm đơn ra Tòa nên Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Trong trường hợp này, căn cứ bồi thường thiệt hại được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 về phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

11111111

Bệnh viện Đa khoa Ba Vì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các gia đình bị trao nhầm con. 

Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa Ba Vì có trách nhiệm bồi thường cho hai gia đình bị trao nhầm con bởi hành vi trao nhầm con của nhân viên bệnh viện. Sau đó, bệnh viện có quyền yêu cầu cá nhân người có lỗi trong vụ việc trao nhầm hai đứa trẻ, phải bồi thường lại cho bệnh viện.

“Bệnh viện Đa khoa Ba Vì cần nhận thức việc trao nhầm con là sai sót y khoa đặc biệt lớn. Hậu quả để lại nặng nề và cực kỳ khó khắc phục. Với tinh thần thiện chí, bệnh viện cần hết mực cầu thị, bồi thường những thiệt hại vật chất, tinh thần cho các bên liên quan. Sai sót của nhân viên y tế cũng thuộc trách nhiệm của bệnh viện”, luật sư Lực nói.

1 3

Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, nơi xảy ra sự việc trao nhầm con.

Cũng theo luật sư Quách Thành Lực, số tiền bồi thường thiệt hại phụ thuộc vào khả năng nguyên đơn cung cấp các căn cứ chứng minh thiệt hại cho Tòa án. Tuy nhiên, quá trình chứng minh các thiệt hại vật chất, đặc biệt là thiệt hại, tổn thất về tinh thần ở Việt Nam rất khó khăn.

“Theo tôi, Bệnh viện cần chủ động bồi thường trước một khoản cho các bên gia đình. Sau đó, đơn vị này bồi thường các tổn hại do sai sót y khoa của mình gây ra cho các bên theo phán quyết của Tòa án.

Việc bồi thường cần được dư luận xã hội nhìn nhận vượt ra ngoài giá trị vật chất giúp đội ngũ cán bộ y tế, bệnh viện, người quản lý trong ngành y nâng cao ý thức nghề nghiệp, cẩn trọng tuân thủ đúng quy trình chuẩn trong khám chữa bệnh, góp phần hạn chế tối đa những sai lầm.

Tôi rất mong những người lớn cần ứng xử đẹp để không làm ảnh hưởng xấu đến những đứa trẻ vốn đã quá thiệt thòi”, luật sư Lực nói thêm.

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn