Danh sách được đưa ra hôm 13/1 dựa trên thông tin cung cấp từ các chuyên gia y tế trên toàn thế giới, nhấn mạnh tất cả vấn đề đều cấp thiết, liên quan nhau, mức độ ưu tiên ngang nhau. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng nhận định các nhà lãnh đạo cần ưu tiên, đầu tư nhiều hơn vào sức khỏe, đồng thời chính phủ các nước, cộng đồng, cơ quan quốc tế cần chung tay giải quyết.
Khủng hoảng khí hậu
WHO nêu rõ khủng hoảng khí hậu là "một cuộc khủng hoảng sức khỏe", nhấn mạnh ô nhiễm không khí giết chết 7 triệu người mỗi năm.
Biến đổi khí hậu cũng khiến các hiện tượng thời tiết trở nên cực đoan hơn, gây ra nhiều vấn đề như suy dinh dưỡng, lây lan bệnh truyền nhiễm.
"Các nhà lãnh đạo khu vực công cộng và tư nhân cần hợp tác để làm sạch không khí, giảm thiểu tác động sức khỏe của biến đổi khí hậu", theo WHO.
Chăm sóc sức khỏe trong bối cảnh xung đột, khủng hoảng
Nhân viên y tế trở thành nạn nhân các cuộc bạo lực tại khu vực có xung đột là xu hướng đáng lo ngại tiếp tục diễn ra năm 2019. Trong năm này, WHO ghi nhận 980 cuộc tấn công nhân viên y tế tại 11 quốc gia, 193 người thiệt mạng.
Năm 2018, khi dịch Ebola tấn công Congo, xung đột giữa các nhóm chiến binh và lực lượng chính phủ khiến nhân viên y tế gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận các khu vực dịch bệnh hoành hành.
"Chúng ta cần đưa ra giải pháp chính trị để giải quyết các xung đột kéo dài, ngừng bỏ bê các hệ thống y tế yếu nhất, bảo vệ nhân viên y tế và thiết bị y tế khỏi các cuộc tấn công", WHO tuyên bố.
Tạo cơ hội tiếp cận y tế đồng đều
WHO cũng tập trung vào sự chệnh lệch sức khỏe đáng kể, trong đó có tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng, dựa trên thu nhập và các yếu tố kinh tế xã hội khác.
Tổ chức này nhấn mạnh chênh lệch tuổi thọ giữa các nước giàu và nghèo là 18 năm. Thách thức khác là khoảng 33% dân số thế giới thiếu tiếp cận với dược phẩm, vaccine, công cụ chẩn đoán và các sản phẩm sức khỏe khác.
"Hạn chế tiếp cận với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe đe dọa sức khỏe và tính mạng con người", theo WHO. Tổ chức này kêu gọi tất cả các quốc gia trích 1% tổng sản phẩm quốc nội cho việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, tạo cơ hội cho nhiều người tiếp cận dịch vụ y tế gần nhà.
Ngăn chặn bệnh truyền nhiễm, chuẩn bị đối phó dịch bệnh
WHO ước tính các bệnh truyền nhiễm như HIV, lao, viêm gan virus, sốt rét, sẽ gây ra khoảng 4 triệu cái chết trong năm nay, phần lớn là người nghèo.
Để ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm lây lan, WHO cho rằng cần có ý chí chính trị lớn hơn và tăng kinh phí nhằm phục vụ dịch vụ y tế, tiêm phòng định kỳ, nâng cao chất lượng, các dữ liệu sẵn có và tăng cường nỗ lực để giảm thiểu tác động của kháng thuốc.
WHO lưu ý thế giới chi trả nhiều hơn cho việc đối mặt với các dịch bệnh, thiên tai, các tình huống sức khỏe khẩn cấp khác, so với việc chuẩn bị, đề phòng. Điều này cần được thay đổi.
Thực phẩm, thuốc lá không an toàn
Thiếu thực phẩm, nông sản không an toàn, chế độ ăn uống thiếu lành mạnh gây ra gần 33% gánh nặng bệnh tật toàn cầu trong thời điểm hiện tại. Đói nghèo, thiếu an toàn thực phẩm tồn tại song song với béo phì, chế độ ăn uống không lành mạnh, là thách thức lớn với sức khỏe toàn cầu.
"Việc sử dụng thuốc lá giảm ở một vài nước, nhưng đang gia tăng ở phần lớn các nước, bằng chứng là những nguy cơ sức khỏe ngày càng tăng của thuốc lá điện tử", theo WHO.
Tổ chức này cho hay đang làm việc với các quốc gia, định hình lại hệ thống thực phẩm, xây dựng cam kết chính trị và năng lực nhằm tăng cường thực hiện một số chính sách kiểm soát thuốc lá nhất định.
Đầu tư vào nhân viên y tế, thanh thiếu niên
Thế giới sẽ cần thêm 18 triệu nhân viên y tế vào năm 2030 tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình - trong đó có 9 triệu y tá và nữ hộ sinh.
WHO cho biết đang làm việc với các quốc gia, khuyến khích đầu tư mới vào "đào tạo nhân viên y tế và trả lương xứng đáng".
Thế giới cũng cần quan tâm hơn tới sự an toàn lứa tuổi thanh thiếu niên (10-19 tuổi). Hơn 1 triệu thanh thiếu niên tử vong mỗi năm, nguyên nhân chính gồm chấn thương do tai nạn, HIV, tự tử, nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, bạo lực.
WHO sẽ ban hành hướng dẫn mới tới các nhà hoạch định, những người công tác trong ngành y tế, giáo dục, nhằm tăng cường sức khỏe tinh thần cho lứa tuổi này, ngăn chặn việc sử dụng ma túy, rượu, gây hại bản thân và người khác.
Hướng dẫn cũng cung cấp giới trẻ cách ngăn ngừa nhiễm HIV và các bệnh truyền nhiễm khác, cách tránh thai, chăm sóc sức khỏe khi mang thai, sinh nở.
Chống vắcxin và công nghệ mới
Sự tin tưởng của công chúng với bác sĩ có thể ảnh hưởng tới quyết định tuân theo khuyến nghị xung quanh việc tiêm chủng, uống thuốc, sử dụng bao cao su, theo WHO.
Tổ chức đã làm việc với các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, đảm bảo người dùng các trang mạng xã hội nhận được thông tin y tế chính xác, không sai lệch.
Các công nghệ mới, như chỉnh sửa gene con người, cũng được đề cập như một giải pháp ngăn ngừa, chẩn đoán, điều trị nhiều loại bệnh.
WHO đang hỗ trợ các quốc gia lập kế hoạch, áp dụng và hưởng lợi từ các công nghệ mới, hỗ trợ quy định tốt hơn cho sự phát triển và sử dụng các công nghệ này.
Thuốc và thiết bị y tế sạch
WHO nhấn mạnh tình trạng kháng kháng sinh có thể đảo ngược những tiến bộ y học.
Kháng kháng sinh đề cập tới khả năng vô hiệu hóa tác dụng của thuốc của vi khuẩn, virus và một vài loại ký sinh trùng. Trong vô số các yếu tố, đôi khi sự kháng thuốc có thể diễn ra khi thuốc kháng sinh hoặc một vài thuốc khác được dùng khi không cần thiết, tạo điều kiện cho vi khuẩn và các vi sinh khác phát triển sức đề kháng.
WHO đang hợp tác với các cơ quan chức năng thể giới và từng quốc gia để giảm nguy cơ kháng kháng sinh, đồng thời ủng hộ các nghiên cứu và phát triển các loại thuốc kháng sinh mới.
Bình luận