Những tiện lợi khi mua hàng online trong thời đại công nghệ số là điều chúng ta không thể phủ nhận, đặc biệt là trong tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
Tuy nhiên, lợi dụng hình thức mua bán phổ biến và tiện lợi này, không ít đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng, giả mạo website, thương hiệu để bán hàng kém chất lượng, gây thiệt hại lớn về tài sản đối với người tiêu dùng.
Trước tình trạng này, người tiêu dùng cần làm gì để tránh "tiền mất tật mang"? Sau đây là lời khuyên từ các chuyên gia.
1. Đặt hàng với một kết nối an toàn
Nếu máy tính của bạn không được bảo vệ khỏi các phần mềm độc hại tiềm ẩn thì thông tin tài chính và mật khẩu của bạn có thể có nguy cơ bị đánh cắp. Khái niệm này rất cơ bản, tưởng chừng ai cũng biết, nhưng bạn có tin không, ngay cả ở Mỹ, chỉ một phần nhỏ dân số nước này biết bảo vệ máy tính của họ một cách đầy đủ.
Sử dụng kết nối an toàn - đảm bảo rằng tường lửa máy tính của bạn luôn được bật. Nếu bạn mua sắm trực tuyến trong khi đang sử dụng mạng không dây (wifi), mạng này cần được mã hóa để ai đó đang ẩn nấp bên ngoài hệ thống không thể thu thập được thông tin của bạn.
2. Biết và tìm hiểu kỹ người bán và thương hiệu của họ
Nếu bạn đã biết về danh tiếng hay địa chỉ trang mua sắm trực tuyến của shop thì điều đó có thể là an toàn. Bạn có thể trực tiếp đến cửa hàng gần địa phương để được trợ giúp nếu không may gặp trường hợp hàng hóa có vấn đề mà không thể giải quyết gián tiếp qua mạng.
Kiểm tra mức độ đánh giá của những người dùng khác xem họ có trải nghiệm tích cực với trang bán hàng này không để bạn có thể yên tâm về chất lượng. Nói nôm na là bạn nên xem review hay feedback của khách hàng từng mua hàng ở đó. Nếu không có đánh giá hoặc đánh giá không tốt, bạn không nên đặt hàng tại đây.
3. Kiểm tra các điều khoản vận chuyển
Chúng ta quen nghe đến khái niệm free ship (giao hàng miễn phí) vì đây là một món tiền không nhỏ khi bạn mua hàng online. Hãy cảnh giác với một số người bán hàng tinh vi trong việc tính phí vận chuyển "cắt cổ" với mục đích có thể biến nó thành một món hời khi bán hàng online.
Người tiêu dùng hãy chú ý xem họ có cung cấp theo dõi quá trình vận chuyển và bảo hành hay không. Bên cạnh đó, đặc biệt thận trọng nếu mặt hàng không được vận chuyển trong vòng 10 ngày.
4. Không mua hàng tại trang web yêu cầu nhiều thông tin hơn bán hàng
Bạn cần cung cấp một số phương thức thanh toán, địa chỉ giao hàng, số điện thoại và địa chỉ e-mail khi mua hàng. Nhưng nếu người bán yêu cầu những thông tin khác, bạn hãy bỏ qua.
Bạn cần cẩn trọng khi cung cấp cho họ thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin an sinh xã hội hoặc số giấy phép lái xe của mình.
Nhiều cửa hàng tuyên bố rằng họ không chia sẻ, bán hoặc cho thuê thông tin cá nhân của người tiêu dùng. Nhưng những người khác nói rằng, họ sở hữu thông tin của bạn và có thể sử dụng (hoặc lạm dụng thông tin đó) theo cách họ chọn.
Hãy gắn bó với những web bán hàng oline uy tín và tôn trọng quyền riêng tư của bạn.
Bình luận