Người bán hàng bị xử phạt ra sao khi có hành vi xâm hại quyền lợi khách hàng?

Doanh nghiệp vì người tiêu dùngThứ Ba, 09/11/2021 09:03:00 +07:00
(VTC News) -

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng nặng hay nhẹ mà cá nhân, tổ chức sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ theo quy định tại Điều 11 Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ bị xử lý như sau:

1. Cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Người bán hàng bị xử phạt ra sao khi có hành vi xâm hại quyền lợi khách hàng? - 1

2. Tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

4. Chính phủ quy định chi tiết việc xử phạt vi phạm hành chính trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Các mức xử phạt hành chính cụ thể trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng được quy định trong Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ Điều 46 – Điều 61.

Ngoài ra, Nghị định 99/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng điều chỉnh về bán hàng tận cửa – một hình thức bán hàng trực tiếp, cụ thể:

Khoản 3 Điều 3 Nghị định giải thích từ ngữ như sau: “3. Bán hàng tận cửa là trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện việc bán hàng hóa tại nơi ở, nơi làm việc của người tiêu dùng”.

Điều 19 của Nghị định cũng quy định về hợp đồng bán hàng tận cửa:

“1. Người bán hàng tận cửa là người của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Khi thực hiện việc bán hàng tận cửa người bán hàng tận cửa có nghĩa vụ sau đây:

a) Giới thiệu tên, số điện thoại liên lạc, địa chỉ, trụ sở của tổ chức, cá nhân kinh doanh, chịu trách nhiệm về đề nghị giao kết hợp đồng;

b) Không được tiếp tục đề nghị giao kết hợp đồng khi người tiêu dùng đã từ chối;

c) Giải thích cho người tiêu dùng về điều kiện của hợp đồng, thông tin khác mà người tiêu dùng quan tâm liên quan đến hàng hóa, dịch vụ.

2. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, hợp đồng bán hàng tận cửa phải được lập thành văn bản và giao cho người tiêu dùng một bản.

3. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ ngày giao kết hợp đồng, người tiêu dùng có quyền yêu cầu đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết và thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân kinh doanh. Trước khi hết thời hạn này, người bán hàng tận cửa không được phép yêu cầu người tiêu dùng thanh toán hoặc thực hiện các nội dung hợp đồng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trường hợp hợp đồng bán hàng tận cửa được lập thành văn bản, khi ký kết hợp đồng bán hàng tận cửa, người tiêu dùng phải tự ghi ngày, tháng giao kết hợp đồng.

5. Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải chịu trách nhiệm đối với mọi hoạt động của người bán hàng tận cửa”.

Theo đó, các hành vi vi phạm về hợp đồng bán hàng tận cửa sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt như sau:

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với thương nhân kinh doanh bán hàng tận cửa có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Người bán hàng tận cửa không giới thiệu tên của thương nhân kinh doanh, số điện thoại liên lạc, địa chỉ, trụ sở, địa chỉ cơ sở chịu trách nhiệm về đề nghị giao kết hợp đồng;

b) Người bán hàng tận cửa cố tình tiếp xúc với người tiêu dùng để đề nghị giao kết hợp đồng trong trường hợp người tiêu dùng đã từ chối;

c) Từ chối cho người tiêu dùng rút lại giao kết trong trường hợp người tiêu dùng gửi văn bản thông báo về việc rút lại giao kết trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ký kết hợp đồng;

d) Buộc người tiêu dùng thanh toán hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác theo hợp đồng trước khi hết thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ký kết hợp đồng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

đ) Từ chối trách nhiệm đối với hoạt động của người bán hàng tận cửa trong trường hợp người đó gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

e) Không giải thích đầy đủ, chính xác cho người tiêu dùng về điều kiện của hợp đồng, các thông tin liên quan đến hàng hóa, dịch vụ sẽ giao dịch với người tiêu dùng;

g) Hợp đồng bán hàng tận cửa không được lập thành văn bản và giao cho người tiêu dùng một bản theo quy định, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều này”.

Việc quy định xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng góp phần tạo cơ sở pháp lý cho người tiêu dùng được bảo vệ đầy đủ hơn, đồng thời, ràng buộc chặt chẽ các trách nhiệm liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Các hành vi của các tổ chức, cá nhân kinh doanh có dấu hiệu lừa dối, gây nhầm lẫn cho khách hàng, cũng như việc cung cấp sản phẩm kém chất lượng... gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng sẽ bị xử lý theo pháp luật đã quy định.

Nhật Lệ
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp