• Zalo

3 lý do nên cấm tiệt xe máy

XeThứ Bảy, 02/11/2013 12:57:00 +07:00 Google News

Với tôi, người đã đi xe máy 20 năm, gắn bó với chiếc xe 2 bánh, nhưng tôi vẫn cho rằng nên cấm xe máy, trước tiên là ở các thành phố lớn.

Tận mắt chứng kiến 2 phụ nữ trung niên đi xe máy, bị xe tải cán chết tại chỗ, tôi vừa đi, vừa nghĩ, giá không còn xe máy thì đã không có những cái chết thương tâm đang diễn ra hằng ngày như thế.


Mấy ngày nay đọc báo thấy người ta bàn luận về chuyện cấm xe máy ở các thành phố lớn, cấm thế nào, lộ trình ra sao mà tôi rất quan tâm. Vẫn có 2 luồng dư luận về vấn đề này, người phản đối, nhóm ủng hộ.
Với tôi, người đã đi xe máy 20 năm, gắn bó với chiếc xe 2 bánh, nhưng tôi vẫn cho rằng nên cấm xe máy, trước tiên là ở các thành phố lớn. Có thể bạn sẽ phản đối ngay, nhưng mỗi người một quan điểm, và quan điểm của tôi là thế.
1. Xe máy đang “giết” người hằng ngày
Vì sao lại nên cấm xe máy? Theo tôi, trước tiên là vì tính mạng con người. Tôi được biết, xe máy chính là “thủ phạm” số một về tai nạn giao thông. Đối với nhiều quốc gia, xe máy bị xếp vào hàng phương tiện giao thông nguy hiểm, không khuyến khích sử dụng, thậm chí bị cấm ở nhiều thành phố.
Ở Việt Nam, hơn 70% các vụ tai nạn giao thông là tai nạn xe máy và liên quan đến xe máy. 

Không phải ngẫu nhiên khi người ta gọi nó bằng cái tên “hung thần đường phố”. Vận tốc có thể đạt ngang ô tô nhưng độ an toàn chỉ tương đương xe đạp, là những “ưu thế” nổi bật của phương tiện này. Tai nạn xảy ra hàng ngày, hàng giờ trên khắp các cung đường của nước ta đã minh chứng cho điều đó.
Theo thống kê, số người tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT) ở Việt Nam năm 2012 là 9.820 người, số người bị thương gấp 5 lần số tử vong. 
Trong đó , hơn 70% là các vụ tai nạn xe máy và liên quan đến xe máy. Điều này chứng tỏ xe máy đang dần trở thành những “hung thẩn” xa lộ, “quan tài di động” trên đường.

2. Sự hỗn loạn sinh ra từ xe máy
Xe máy như một thứ “đặc sản” khó nuốt ở Việt Nam. Nếu bạn thấy một hình ảnh đường phố Việt Nam trên ti vi bạn sẽ dễ dàng nhận ra ngay vì có những chiếc xe máy. Ấn tượng của người nước ngoài về giao thông Việt Nam cũng là một ấn tượng xấu. Lộn xộn, hỗn loạn cũng vì xe máy.
Người nước ngoài cảm thấy hãi hùng với giao thông toàn xe máy ở Việt Nam  

Với những người dân Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh thì nạn kẹt xe là chuyện thường xuyên như cơm bữa. Nhìn vào những giao lộ bị tắc nghẽn, không khó để nhận ra thành phần hỗn loạn, lộn xộn nhất chính là những người đi xe máy. 
Người thì len lỏi giữa các dòng ô tô, kẻ thì lấn sang làn ngược chiều, chưa kể đến hàng dài xe máy luồn lách, leo lên vỉa hè, “mở đường máu” bằng mọi cách bất chấp luật lệ.
Đông đúc là thế, ấy vậy mà chỉ cần một va chạm nhỏ nhặt, chẳng ai hấn gì, chỉ cần giải quyết bằng một lời xin lỗi và một nụ cười, vậy mà tất cả cũng sẵn sàng bỏ mặc đàn đàn lũ lũ phương tiện méo mặt đợi ở đằng sau mà xử lí nhau ngay và luôn. Nhẹ thì sứt đầu chảy máu, nặng thì đi viện, người nằm nhà xác, kẻ vào nhà đá.
Hãy thử nhìn ở nước ngoài, khi tắc đường họ vẫn điềm tĩnh ngồi trong xe và chờ đợi cơn ách tắc trôi qua. Họ tuân thủ đúng luật, chẳng bao giờ có chuyện lấn làn, vượt ẩu. Ai cũng đi phần đường của mình, và kết quả là giao thông được thông suốt nhanh chóng. Và tuyệt nhiên, trong cái bức tranh đẹp ấy, xe máy không xuất hiện.

3. Xe máy “tiện” nên “bừa”
Xe máy là nguyên nhân gây nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị. Việc dừng, đỗ xe máy trên vỉa hè, lòng đường làm mất mĩ quan đường phố. 
Cảnh nhếch nhác trong một đô thị nhìn đâu cũng thấy xe máy.

Người điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng tạo nên một bức tranh giao thông hỗn loạn. Sự tiện lợi của xe máy dừng bất kỳ chỗ nào sinh ra hàng quán, chợ cóc vỉa hè thay cho các nhà hàng, siêu thị sạch sẽ, văn minh. 
Sự phát triển tràn lan hàng quán, chợ cóc vỉa hè sản sinh ra một lượng rác thải khổng lồ không được xử lý mà được đổ ngay ra vỉa hè, lòng đường, làm ô nhiễm không khí và nguồn nước.
Hiếm có nước nào mà rác rưởi, bụi bặm nhiều như Việt Nam, kể cả ở các nước nghèo hơn. Có thể nói, còn rất nhiều “thói hư tật xấu” mà nền “văn minh xe máy” đang mang đến cho người dân.

Cần làm, có lộ trình và đừng né tránh
Đã có những ý kiến cho rằng nước ta còn nghèo, cấm xe máy làm sao được. Vậy xin mời bạn hãy nhìn sang Yangon, thủ đô của Myanmar, một đất nước mới được “mở cửa kinh tế thị trường” từ….2012, và tất nhiên là nghèo hơn Việt Nam rất nhiều. 
Giao thông tại Yangon, Myanmar  
Vậy mà họ đã cấm xe máy từ rất lâu rồi, và đường phố của Yangon hiện tại dù chẳng thể xếp vào hàng đẹp đẽ, nhưng cũng là điều mơ ước của bao người dân Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh, tất cả bởi vì sự vắng mặt của xe máy. 
Lào, Camphuchia còn làm được việc này, vậy tại sao Việt Nam lại không thể? Tại sao cứ đổ vấy cho cơ sở hạ tầng để rồi bỏ đấy không làm?
Tất nhiên, việc cấm xe máy sẽ cần một lộ trình chứ không thể ngay lập tức cấm ngay được. Tuy nhiên, việc này không khó, bởi đã có quá nhiều tấm gương cho chúng ta học hỏi. Vấn đề là chúng ta đã có đủ dũng khí và quyết tâm thực hiện cái việc loại trừ xe máy – sản phẩm đã lỗi thời của lịch sử hay không mà thôi.
Theo Autodaily
Bình luận
vtcnews.vn