• Zalo

10 sự kiện giao thông 'nóng' nhất năm 2011

Thời sựThứ Tư, 14/12/2011 06:21:00 +07:00Google News

(VTC News) - Bộ GTVT có tân Bộ trưởng, đi xe buýt, đổi giờ làm, phân làn phương tiện, "trảm tướng" dự án... là những sự kiện giao thông nóng nhất năm qua.

(VTC News) - Bộ GTVT có tân Bộ trưởng, đi xe buýt, đổi giờ làm, phân làn phương tiện, "trảm tướng" dự án... là những sự kiện giao thông nóng nhất năm qua.

Năm 2011 là một năm “bận rộn” với ngành giao thông vận tải khi vấn đề giao thông tác động rất lớn đến xã hội và kinh tế đất nước, và được cả xã hội đặc biệt quan tâm.

VTC News xin điểm lại những sự kiện nổi bật của ngành giao thông năm qua, năm 2011.

1. Ông Đinh La Thăng được bầu làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải

 
Tân Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng.
Ngày 3/8/2011, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 13, ông Đinh La Thăng được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (với số phiếu tán thành đạt 71,2%).

Bộ trưởng Đinh La Thăng sinh ngày 10/9/1960, tại Nam Định, học vị Tiến sỹ, là Uỷ viên Trung ương Đảng Khóa 10, 11; Đại biểu Quốc hội Khoá 11, 13; từng công tác tại Tổng Công ty Sông Đà, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa thiên – Huế, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Ngay khi lên giữ cương vị mới, để giải quyết những vấn đề “nóng” của ngành giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đưa ra hàng loạt quyết định cứng rắn, như “trảm tướng” các dự án để đẩy nhanh tiến độ công trình; xử lý trách nhiệm tại các công trình kém chất lượng; kêu gọi nhân viên Bộ GTVT và người dân đi xe buýt; đề xuất phương án đổi giờ làm…

2. Thông xe hầm Thủ Thiêm (Đường hầm sông Sài Gòn, TP. HCM)

Chiều 20/11, hầm Thủ Thiêm, hầm vượt sông Sài Gòn cùng với toàn bộ dự án Đại lộ Đông Tây (Đại lộ Võ Văn Kiệt ngày nay) đã chính thức được thông xe. Đây là dự án hầm vượt sông lớn và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.

Công trình có tổng chiều dài 1.490m, rộng 33m, với 6 làn xe, trong đó mỗi chiều lưu thông có 03 làn xe (2 làn xe ô tô và 1 làn xe 02 bánh), với tốc độ thiết kế 60 km/giờ.

Chiều 20/11, hầm Thủ Thiêm chính thức được thông xe.

3. Hàng loạt Dự án giao thông bị “trảm tướng”, thay nhà thầu

Trước tình trạng hàng loạt dự án giao thông trọng điểm chậm tiến độ, chất lượng không đảm bảo…, tân Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã liên tiếp mạnh tay thay chỉ huy các công trường, trưởng ban quản lý các dự án…

Mở đầu, ngày 4/10/2011, Bộ trưởng Thăng đã ra quyết định điều động ông Đỗ Tất Bình thay ông Đặng Hồng Cương làm Trưởng Ban quản lý Dự án xây dựng Nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng, do dự án này bị chậm tiến độ.

Tiếp đó, đến cuối tháng 10/2011, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Thăng, Ban quản lý dự án 2 (PMU2) đã thay 5 nhà thầu phụ của Dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên do chậm tiến độ.

Sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, Dự án cao tốc TP. HCM - Trung Lương đã xuất hiện nhiều điểm hư hỏng mặt đường. Vì vậy, ngày 21/11, Bộ trưởng Thăng đã ký văn bản tạm đình chỉ công tác đối với Giám đốc điều hành Dự án.

Dự án Nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng là dự án đầu tiên bị "trảm tướng".

Đến ngày 29/11, Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (chủ đầu tư) đã ra quyết định cách chức ông Lã Chí Đức - Giám đốc điều hành Dự án, và một loạt cán bộ khác bị phê bình, khiển trách.

Mới nhất, ngày 1/12, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ký Quyết định Thành lập Đoàn công tác kiểm tra chất lượng 5 dự án giao thông trọng điểm trên cả nước.

4. Chính phủ ban hành Nghị quyết 88/NQ-CP về đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Trước tình hình tai nạn giao thông làm số người chết và bị thương vẫn ở mức cao, ngày 24/8/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 88/NQ-CP về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Trong đó đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu Hà Nội và TP. HCM nghiên cứu hạn chế phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy, taxi).

Đây là Nghị quyết thứ 3 của Chính phủ về an toàn giao thông trong 5 năm qua được ban hành (năm 2007 là NQ số 32/2007/NQ-CP; năm 2008 là NQ số 16/2008/NQ-CP).

5. Lên phương án đổi giờ làm, giờ học

Trong nhóm giải pháp nhằm hạn chế ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP. HCM, giải pháp đổi giờ làm việc, giờ học tập và giờ kinh doanh thương mại lệch nhau đã được tính tới.

Tại Hà Nội, trong kỳ họp thứ 3, HĐND Thành phố Hà Nội khoá 14 (diễn ra từ ngày 7 - 10/12), các đại biểu đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ KT-XH, an ninh, quốc phòng năm 2012 của TP Hà Nội, trong đó có nội dung về điều chỉnh giờ làm việc, học tập, kinh doanh đối với 10 quận nội thành và 2 huyện Từ Liêm, Thanh Trì. Nếu được Chính phủ thông qua, dự kiến việc đổi giờ làm việc, học tập, kinh doanh trên đại bàn Hà Nội sẽ được thực hiện từ 1/1/2012.

Nếu được Chính phủ thông qua, Hà Nội sẽ thực hiện đổi giờ làm, giờ học từ 1/1/2012. 

Tại TP. HCM, ngày 27/11, UBND TP. HCM đã hoàn thiện phương án thay đổi giờ làm việc, học tập và kinh doanh trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, TP. HCM chỉ kiến nghị điều chỉnh giờ học muộn 15 phút so với hiện nay của học sinh Tiểu học (chỉ giờ buổi chiều) và học sinh THCS (cả sáng và chiều).

6. Từ 1/7/2011 ô tô phải lắp “hộp đen”

Theo Nghị định 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trước ngày 1/7/2011 ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có cự ly từ 500 km trở lên, xe du lịch, xe container phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen ô tô, GPS).

Tuy nhiên, việc xử phạt sai phạm chỉ được áp dụng từ ngày 1/7/2013.

7. Bộ trưởng đi xe buýt và kêu gọi người dân cùng đi

Ngày 6/10/2011, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ký công văn yêu cầu cán bộ, nhân viên làm việc trong các cơ quan, đơn vị, công ty… trực thuộc Bộ có trụ sở tại Hà Nội và TP. HCMsử dụng xe buýt đô thịtối thiểu 1 ngày trong 1 tuần.

Để khuyến khích, chính Bộ trưởng Thăng cũng thực hiện đi làm bằng xe buýt.

Bộ trưởng Thăng kêu gọi nhân viên Bộ GTVT và người dân cùng đi xe buýt. 

8. Rút giấy phép 2 hãng hàng không

Ngày 2/12, đại diện Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, sau khi Cục Hàng không văn bản đề nghị, Bộ Giao thông vận tải đã rút giấy phép của hãng hàng không Đông Dương (Indochina Airlines) của nhạc sĩ Hà Dũng.

Chỉ ít ngày sau, ngày 5/12, Bộ GTVT tiếp tục có công văn hủy bỏ giấy phép kinh doanh của hãng hàng không Trai Thien Air Cargo, khi hãng này chưa một lần bay thương mại.

Đây là hai hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam bị rút giấy phép.

Đã có hai hãng hàng không tư nhân bị rút giấy phép. 

9. Hơn 17.000 người thương vong vì tai nạn giao thông

Theo báo cáo của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, trong 10 tháng đầu năm 2011, cả nước đã xảy ra hơn 11.000 vụ tai nạn giao thông, làm hơn 9.200 người chết, và gần 8.400 người bị thương.

Đáng chú ý là vụ tai nạn giữa xe container và hai xe khách xảy ra ngày 7/11 (trên quốc lộ 1A, đoạn qua tỉnh Bình Thuận), xe khách bốc cháy, khiến 10 người chết, 22 người bị thương.

Trước đó, vào ngày 13/6, một vụ tai nạn giữa xe tải và xe khách du lịch đã xảy ra trên đường Cao tốc TP. HCM - Trung Lương (đoạn qua tỉnh Long An), làm 8 người chết và 10 người bị thương…

Năm qua đã có gần 1 vạn người chết vì tai nạn giao thông. Ảnh hiện trường vụ tai nạn làm 10 người chết cháy tại Bình Thuận. 

10. Hà Nội tổ chức phân làn, tách dòng phương tiện

Từ ngày 20/9, Hà Nội chính thức tổ chức phân làn, tách dòng phương tiện tại 5 tuyến phố nhằm giảm ùn tắc, hạn chế tai nạn gồm: phố Bà Triệu, Phố Huế - Hàng Bài, Xã Đàn, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân, Giải Phóng.

Dù 5 tuyến phố đã được phân làn, nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến.
Tuy việc phân làn, tách dòng phương tiện này chưa đạt hiệu quả như mong muốn và còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng đây là một bước đi mạnh dạn của giao thông Hà Nội trong năm 2011. Dự kiến từ giờ tới cuối năm, Hà Nội sẽ tổ chức phân làn thêm 8 tuyến phố.

Lê Việt(tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn