• Zalo

TP.HCM chưa có phương án đổi giờ làm, giờ học

Thời sựThứ Tư, 16/11/2011 12:01:00 +07:00Google News

(VTC News) – Dù đã được Chính phủ yêu cầu phải có báo cáo phương án đổi giờ làm, giờ học theo hướng lệch ca, nhưng TP.HCM vẫn chưa có phương án.

(VTC News) – Dù đã được Chính phủ yêu cầu trước ngày 20/11 phải có báo cáo phương án đổi giờ làm, giờ học theo hướng lệch ca, nhưng cho tới nay, TP.HCM vẫn chưa có phương án cụ thể.

Chiều 15/11, UBND TP.HCM tiếp tục tổ chức cuộc họp bàn phương án tháo gỡ nạn ùn tắc giao thông của TP theo hướng đổi giờ làm, giờ học theo hướng lệch ca.

Dù chỉ còn 5 ngày nữa là tới ngày phải báo cáo Chính phủ phương án này, nhưng kết quả của cuộc họp này vẫn chưa đạt được như mong muốn.

Rất nhiều các Sở, ban ngành của TP đã đến với cuộc họp mà không có bất kì ý kiến cũng như phương án nào, dù UBND TP.HCM đã có đề nghị phải tổ chức nghiên cứu, khảo sát các phương án làm, học lệch ca, lệch giờ để giảm nạn ùn tắc giao thông từ khá lâu.

Lãnh đạo Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết, chỉ có 5 trên tổng số 24 quận huyện thực hiện các phương án khảo sát này. Các quận huyện còn lại đều trả lời rằng chưa nhất thiết phải bố trí, thực hiện các phương án đó trong thời gian này.

Trước 20/11, TP.HCM phải trình Chính phủ phương án làm và học theo hướng lệch giờ, lệch ca để giảm ùn tắc giao thông (ảnh: N.D) 

Các phương án đổi giờ làm, giờ học đã được TP.HCM giao cho Sở GTVT và Ban An toàn giao thông TP.HCM nghiên cứu, khảo sát thực tế dựa trên ý kiến tham khảo của lãnh đạo các Sở, ban ngành đoàn thể và các quận huyện, phường xã.

Trong đó, lãnh đạo TP nhấn mạnh các phương án cần phải chú ý đến đặc điểm riêng của giao thông 1 đô thị lớn nhất nước để đưa ra các phương án có tính hợp lý, khả thi khi thực hiện.

Các phương án bố trí lệch giờ làm, giờ học đã từng được TP.HCM xây dựng vào năm 2007 theo đúng tinh thần làm việc 8h/ngày và 40h/tuần, thời gian đi học và tan trường của từng cấp sẽ lệch nhau từ 15 – 30 phút, không áp dụng lệch giờ làm tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Thế nhưng, khi đó thì đề án này đã bị HĐND TP.HCM không thông qua do có quá nhiều ý kiến khác nhau, e ngại sẽ làm đảo lộn cuộc sống người dân khi chưa có sự chuẩn bị kĩ lưỡng.

Nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài khẳng định: TP.HCM sẽ tổ chức bổ sung thêm nhiều điểm nữa cho phù hợp với thực tế dựa trên đề án đổi giờ làm, giờ học vào năm 2007. Các phương án cụ thể vẫn đang được bàn thảo trong lãnh đạo TP, các Sở, chưa có thời gian cụ thể để xong đề án trình Chính phủ.

Trước đó, trong cuộc họp tổng kết an toàn giao thông toàn quốc, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu lãnh đạo TP.HCM cần sớm có phương án để báo cáo, trình Chính phủ trước ngày 20/11 về việc làm, học theo hướng lệch giờ, lệch ca.

Sau khi có phương án, Văn phòng Chính phủ sẽ có 1 cuộc họp với sự chủ trì của Phó Thủ tướng cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành ở trung ương để nghe lãnh đạo TP trình bày cụ thể các phương án này dự kiến sẽ áp dụng trên địa bàn TP.

Khác với TP.HCM, Hà Nội đã trình Chính phủ các phương án bố trí làm và học lệch giờ, lệch ca. Theo đó, phương án này sẽ chỉ áp dụng tại 10 quận và 2 huyện là Thanh Trì và Từ Liêm của TP Hà Nội.

Việt Dũng

Bình luận
vtcnews.vn