• Zalo

'10 năm hệ thống giao thông công cộng Hà Nội chỉ đáp ứng được 20% dân số'

Thời sựThứ Bảy, 24/09/2016 10:08:00 +07:00Google News

"Nếu cấm phương tiện cá nhân trong khi giao thông công cộng chưa đáp ứng được thì người dân đi bằng gì?” – TS Thủy nhấn mạnh.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, lâu nay chúng ta làm sân bay, cảng biển, đường cao tốc nhưng quên khu vực Hà Nội. Đầu tư vào hạ tầng Hà Nội cực kỳ yếu kém. Chỉ được đầu tư vài cái cầu vượt còn lại mọi cái vẫn nguyên xi.

Cấm xe máy … lúc nào cũng được

Nhằm đưa ra giải pháp chống ùn tắc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa mới đề xuất lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia về Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố". 

Theo đề án này, lộ trình hạn chế xe máy ở Thủ đô theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2020 sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ hai ngày cuối tuần, lễ, tết.

Năm 2021 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7h đến 19h hàng ngày, đồng thời hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần. 

Giai đoạn 2 từ năm 2023 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh trong vành đai 2, đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ (phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...). Giai đoạn 3 đến năm 2025 sẽ cấm xe máy một số địa điểm trong vành đai 3.

Cũng trong đề án này, ô tô cá nhân sẽ bị hạn chế hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực. Ngoài ra, một số khu vực trung tâm cho phép ôtô cá nhân đi vào giờ cao điểm nhưng có thu phí.

Hà Nội sẽ dừng cấp phép sử dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi đỗ ôtô, xe máy tại 4 quận nội đô (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa) và tăng phí trông giữ ôtô, xe máy tại khu vực trung tâm, không khuyến khích sử dụng phương tiện cá nhân.  

Hà Nội chưa được đầu tư nhiều vào hạ tầng giao thông 

Nếu đề án được phê duyệt, thì 5 năm nữa, Hà Nội sẽ cấm xe máy vào thành phố (khu vực nội đô từ vành đai 1).

Trao đổi về điều này, TS Nguyễn Xuân Thủy (chuyên gia giao thông) cho rằng, Hà Nội có thể thực hiện được việc cấm xe máy.

“Tại sao tôi lại nói vậy? Bởi là vì Hà Nội có chính quyền, cơ chế, tổ chức trong tay, việc cấm là quá dễ. Nhưng cái tôi cần lưu ý ở đây là hậu cấm như thế nào?  Nếu cấm phương tiện cá nhân trong khi giao thông công cộng chưa đáp ứng được thì người dân đi bằng gì? Và biết bao gia đình sẽ phải mất cần câu cơm, làm ăn sẽ khó khăn. Hàng vạn gia đình đi vào nội thành làm dịch vụ bằng cách nào? Nói cách khác làm gì cũng phải có biện pháp thay thế nó” – TS Thủy nhấn mạnh.

Video: Bất chấp lệnh cấm, xe máy, xe đạp vẫn phóng ầm ầm trên phố đi bộ

Không đồng tình với một số ý kiến cho rằng Trung Quốc sau 5-10 năm cũng thực hiện được việc cấm xe máy, sao mình không làm được?. TS Thủy khẳng định: “phải nhớ một điều Trung Quốc người ta có hệ thống giao thông công cộng cực kỳ tốt. Bắc Kinh hạn chế xe máy vì Bắc Kinh 40- 60% người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng rồi, vì người ta có tàu điện ngầm, người ta có xe bus…mình chỉ có 1.000 xe bus trong khi riêng TP Bắc Kinh có tới 4.000 – 5.000 xe rồi.

Có ông cán bộ quy hoạch sáng nay cũng nói trên truyền hình về điều này, nhưng mà ông ấy không biết rằng, 10 năm hệ thống giao thông công cộng HN giỏi lắm đáp ứng được 20% dân số vậy 80% người dân đi bằng gì? Đây mới là cái gốc vấn đề, hậu cấm sẽ như thế nào? Chứ chính quyền trong tay cấm lúc nào người dân phải chịu, nhưng cấm được cái gì?”.

Giải pháp nào chống ùn tắc?

Thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình, TS Thủy cho rằng, để chống ùn tắc ở Thủ đô, việc cần làm là đầu tư mạnh hơn cho hạ tầng. “Lâu nay chúng ta làm nào là sân bay, nào là cảng biển, đường cao tốc nhưng quên khu vực Hà Nội. Đầu tư vào hạ tầng Hà Nội cực kỳ yếu kém. Bạn cứ thử nhìn xem, có gì thay đổi không ngoài vài cái cầu vượt ? Không có cái gì khác, mọi cái vẫn nguyên xi như thế.

Do đó, theo tôi Chính phủ cần tăng cường đầu tư, có chính sách đặc biệt với giao thông đô thị của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Vì hai thành phố này mỗi năm tạo ra hơn 30% GDP và hơn 40% ngân sách thì không có lý do gì không đầu tư cho nó được. Lâu nay chúng ta bóp hết múi chanh nhưng không hề đầu tư cho nó (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh – PV) gì cả” – TS Thủy nhấn mạnh.

Giải pháp thứ 2, TS cho rằng Hà Nội cần phát triển nhanh giao thông công cộng, đầu tư mạnh hơn, phát triển nhanh đường sắt đô thị. Ông cho biết, tính sơ sơ từ nay đến năm 2030 mỗi năm Hà Nội và TP HCM phải chi 1,5 tỷ đô la (từ nay đến đó tốn mấy chục tỷ đô la…) giành cho việc phát triển giao thông công cộng thì mới có thể giải triệt để bài toán ùn tắc.

“Thứ 3, đẩy mạnh vấn đề quy hoạc kiến trúc, theo đó cần giãn bớt dân ở khu vực trung tâm, xây thêm các đô thị vệ tinh từ đó giảm bớt mật độ đi lại. Thứ 4  nâng cao chất lượng quản lý nhà nước đối với vấn đề quản lý giao thông, tổ chức, quản lý, quy hoạch, sử dụng các hệ thống thông minh, thực hiện các chế tài điều khiển giao thông” – TS Thủy nói.

Giái pháp cuối cùng, theo TS Thủy đó là nâng cao văn hóa giao thông. Tuy nhiên, TS Thủy khẳng định vấn đề này không vội vàng bởi văn hóa giao thông phải qua nhiều thế hệ mới tạo ra được bản lĩnh, kỹ năng, tính cách, văn hóa văn minh nên cái đó phải từng bước.

Video: Hà Nội ùn tắc "kinh dị"

(Nguồn: Infonet)
Bình luận
vtcnews.vn