Ngày 5/11, bác sĩ Tống Văn Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (quận 3, TP.HCM) cho biết, tại TP.HCM lại xuất hiện chùm ca bệnh quai bị trong trường học.
Theo đó, ngày 26/10, tại cơ sở 2 của Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (quận 3) có 3 học sinh đầu tiên phải nghỉ học vì mắc quai bị, được phụ huynh báo cáo với nhà trường.
Khi cả 3 học sinh trên đang trong thời gian nghỉ học, điều trị bệnh thì học sinh tại nhiều lớp khác trong trường cũng đổ bệnh.
Tính đến ngày 5/11, số học sinh mắc quai bị được ghi nhận trong toàn trường là 13 ca. Để tránh nguy cơ bệnh lây lan, nhà trường đã thông báo cho ngành y tế địa phương thực hiện các biện pháp dự phòng, ngăn chặn nguy cơ phát tán bệnh sang các lớp học khác và cộng đồng.
Hiện tại, mới chỉ 5 học sinh bình phục đi học lại, còn 8 em khác vẫn đang nghỉ bệnh. Qua thống kê của trung tâm cho thấy, lớp có số học sinh mắc nhiều nhất là lớp 4/3 với 7 ca. Tiếp đến là lớp 3/8 với 4 ca, các lớp còn lại mỗi lớp có 1 ca mắc.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường xảy ra vào mùa đông-xuân, do virus Paramyxovirus gây ra. Virus lây trực tiếp qua đường hô hấp, dịch tiết, nước bọt, ăn uống… khi tiếp xúc gần bệnh nhân nói, ho hoặc hắt hơi.
Người mắc quai bị thường thấy khó chịu, sợ gió, nhức đầu, đau trước tai, khó nhai; chảy nước bọt, sốt cao 39 đến 400C trong 3 đến 4 ngày; một bên má bệnh nhân bắt đầu sưng to, sau đó sẽ lan sang bên còn lại; chỗ sưng đau không tấy đỏ, da bóng lên,…
Theo bác sĩ, vấn đề lây qua đường phân và nước tiểu hiện vẫn chưa được xác nhận dù virus quai bị có khả năng tồn tại trong nước tiểu khoảng 2-3 tuần. Bệnh quai bị gây miễn dịch bền vững, nên ít có người mắc quai bị lần 2.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh quai bị là tình trạng gây viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn, làm tinh hoàn teo dần ở nam giới. Viêm buồng trứng ở nữ giới, có thể dẫn tới vô sinh. Phụ nữ mang thai mắc quai bị, có nguy cơ sảy thai, dị dạng thai nhi, sinh non hoặc thai chết lưu.
Hiện bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng đã có vắc xin phòng bệnh kết hợp với phòng sởi và Rubella. Bác sĩ khuyến cáo cộng đồng, tiêm vắc xin chủng ngừa là giải pháp hiệu quả để tránh nguy cơ mắc bệnh.
Video: Em bé đầu tiên ở Việt Nam mắc chứng đầu nhỏ do nhiễm virus Zika.
Bình luận