• Zalo

Xuất khẩu vũ khí Trung Quốc lần đầu 'đánh bại' Anh

Thế giớiThứ Hai, 18/03/2013 04:29:00 +07:00Google News

(VTC News) - Lần đầu tiên Trung Quốc xuất hiện trong tốp 5 nhà cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.

()VTC News)- Đó là tư liệu trong báo cáo mới của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm về tình hình buôn bán vũ khí trên thế giới năm 2012.

Đây là sự thay đổi đầu tiên trong tốp 5 dẫn đầu, kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Trung Quốc cũng là nước châu Á đầu tiên đã lọt vào nhóm 5 quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất toàn cầu.

Tên lửa Trung Quốc - Ảnh: Chinamilitary 

Những năm 2008-2012, theo dữ liệu của Trung tâm phân tích Stockholm, Trung Quốc chiếm tỷ lệ 5% giao dịch về vũ khí thông thường.

5 năm trước đó, Trung Quốc chỉcung cấp 2% sản lượng xuất khẩu vũ khí thế giới. Giành vị trí thứ 5, Trung Quốc đã đẩy Anh ra khỏi Top đầu, số liệu này cho thấy đà tăng trưởng chưa từng có về cung cấp vũ khí là 162%.

Chỉ số này cao hơn 13 lần so với chỉ số trung bình của 5 cựu nước đứng đầu xuất khẩu vũ khí trước kia là Hoa Kỳ, Nga, Đức, Pháp và Anh.

Ông Aleksandr Larin chuyên viên Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm khoa học LB Nga) đánh giá về những yếu tố đảm bảo cho bước nhày vọt của Trung Quốc trên bình diện xuất khẩu vũ khí: “Trung Quốc có lợi thế là bán vũ khí rẻ hơn so với những nhà cung cấp khác.

Còn có yếu tố rất hữu ích từ hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga, vì chúng ta bán vũ khí và cấp giấy phép cho nước này tự sản xuất.

Tên lửa Trung Quốc trong một cuộc duyệt binh - Ảnh: China Defense 

Với sự giúp đỡ của Nga, Trung Quốc đang sản xuất pháo hiện đại, tên lửa chiến thuật, các động cơ và nhiều thành phần dành cho máy bay.

Việc bán giấy phép thường đi kèm với điều kiện là Trung Quốc sẽ không dùng để bán lại cho nước thứ ba. Tuy nhiên, Trung Quốc tránh né điều kiện ràng buộc này bằng cách thay đổi chút ít trong các mẫu mã, thí dụ như cỡ nòng của các hệ thống pháo, rồi đem ra tiếp cận thị trường nước ngoài. Hiện tượng như vậy diễn ra từ lâu”.

Trong số những khách hàng lớn mua vũ khí Trung Quốc có Pakistan, Ai Cập, Bangladesh, Namibia, Sri Lanka. Những năm gần đây chỉ riêng Pakistan đã mua của Trung Quốc 50 máy bay chiến đấu JF-17, cũng như 203 xe tăng MBT-2000.

Về xuất khẩu xe tăng, Trung Quốc chiếm vị trí thứ hai thế giới sau Nga, qua mặt cả Đức, Pháp và Anh. Khách hàng chủ yếu mua xe tăng Trung Quốc là các nước châu Phi.

Khi phải nhường thua Trung Quốc vị trí của mình tại địa bàn này, phương Tây luôn tố cáo Trung Quốc tuồn súng đạn cho các chế độ châu Phi vi phạm nhân quyền.

Còn Trung Quốc thì chẳng đếm xỉa đến những cáo buộc đó, vin vào những giao kèo minh bạch và nghiêm túc tuân thủ chuẩn mực qui tắc buôn bán vũ khí.

Bước nhảy vọt mới của Trung Quốc trên thị trường vũ khí toàn cầu có thể là là động thái 'chọc giận' mới đối với Hoa Kỳ và EU.

Với tư cách trừng phạt vi phạm trong lĩnh vực quyền con người, họ duy trì lệnh cấm vận xuất khẩu đến Trung Quốc những công nghệ mang tính năng kép và các vũ khí, trang bị quân sự hiện đại.

EU cho rằng Trung Quốc đã khôn khéo sao chép công nghệ và các mẫu vũ khí phương Tây rồi tái xuất khẩu.

Tiếng nói nước Nga nhận định Đức và Pháp, hai nước chỉ vượt hơn Trung Quốc chút ít trong danh sách các nhà xuất khẩu vũ khí thế giới, sẽ siết chặt lập trường của họ trong khuôn khổ lệnh cấm vận của EU về cung cấp vũ khí hiện đại đến Bắc Kinh.

Điều này có thể thực hiện dưới áp lực của Hoa Kỳ và các đồng minh của họ ở châu Á. Nhật Bản đã không chỉ một lần và ở những cấp độ khác nhau, lên tiếng kêu gọi NATO không dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp vũ khí cho Bắc Kinh.

Ngày 18/3, Tokyo đã bày tỏ với Paris sự lo ngại của Nhật Bản về các hợp đồng mà hãng đóng tàu Pháp DCNS ký với Trung Quốc.

Giao kèo dự trù bán cho Trung Quốc những thiết bị tiên tiến hỗ trợ việc hạ cánh của máy bay trực thăng xuống mặt boong tàu trong điều kiện thời tiết xấu.

N.V (Tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn