Trong đơn kêu cứu gửi lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT và chính quyền địa phương, người dân ở xóm đường tàu Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nêu ra những khó khăn về mưu sinh kể từ khi xóm cà phê đường tàu bị dẹp bỏ.
Mong muốn được kinh doanh trở lại, họ đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn cho khách hàng cũng như an ninh đường sắt.
Lắp loa, camera giám sát an toà
Đại diện cư dân cho biết xóm đường tàu vốn là khu vực mưu sinh khó khăn, hầu như không ai biết tới. Từ khi hình ảnh xóm này được đưa lên tạp chí National Geographic, khách nước ngoài kéo đến đông và cuộc sống người dân dần thay đổi.
Từ những công việc như đạp xích lô, chở hàng... người dân dần chuyển qua việc bán nước, bán đồ giải khát cho khách du lịch. Từ đó, vệ sinh khu phố sạch sẽ hơn, dân trí được nâng cao.
"Người dân khu vực phố đường tàu tha thiết mong cơ quan chức năng có giải pháp phù hợp giúp người dân chúng tôi có đời sống ổn định, có cơ hội cải thiện thu nhập, vừa an sinh vừa tạo được điểm nhấn cho du lịch Hà Nội và Việt Nam...", đơn kêu cứu viết.
Trong phần đề xuất các biện pháp an toàn gửi kèm, các hộ kinh doanh cam kết sẽ tuân thủ hoạt động trong phạm vi an toàn tối thiểu cách 1,5 m tính từ đường ray và chỉ hoạt động trong phạm vi nhà. Camera giám sát sẽ được lặp đặt để người dân thực hiện nghiêm cam kết.
Các hộ kinh doanh cũng có trách nhiệm lắp đặt các biển cảnh báo song ngữ để du khách ra khỏi phạm vi an toàn, đồng thời lắp loa phát cảnh báo khi tàu đến.
Khi tàu chạy qua, du khách được đảm bảo ở trong khu vực kẻ vạch sơn an toàn, có barie bằng inox chặn trước mỗi cửa hàng và nhà dân. Khu vực đường ngang sẽ có barie cứng.
Video: Tranh cãi việc dẹp bỏ cà phê đường tàu ở Hà Nội
Khó đáp ứng quy định về hành lang an toàn
Trong đề xuất nêu trên, cư dân đưa ra con số 1,5 m là phạm vi an toàn tối thiểu tính từ đường ray và cam kết sẽ không xâm phạm. Tuy nhiên, theo chuyên gia về an toàn đường sắt, đây chỉ là khoảng cánh mà người dân tự đặt ra.
Trả lời PV, ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban an ninh, an toàn đường sắt (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam), cho biết phạm vi bảo vệ đường sắt là 5,6 m tính từ mép ray, cộng thêm 3 m hành lang an toàn đường sắt (áp dụng với đô thị) thì khoảng cách không được xâm phạm hắt về mỗi bên là 8,6 m.
Tuy nhiên, do quá trình xây dựng thiếu quy hoạch, khoảng cách từ nhà dân ở xóm đường tàu đến phạm vi bảo vệ đường sắt không đáp ứng con số này. Nhiều đoạn từ cửa nhà đến mép ngoài đường ray chỉ khoảng 3 m.
Theo ông Chiến, để thực hiện giải tỏa hành lang sẽ cần sự vào cuộc đồng bộ nhưng ít nhất với những đoạn như cà phê đường tàu phải có hàng rào ngăn cách.
"Họ nói chỉ kinh doanh ở ngoài phạm vi 1,5 m, tránh va chạm với tàu nhưng việc đứng lố nhố ở ven đường sắt cũng rất dễ ngã vào tàu. Ở góc độ cơ quan đảm bảo an toàn, chúng tôi thấy việc tổ chức kinh doanh ở trong hành lang an toàn đường sắt là trái pháp luật, cần giải quyết triệt để", lãnh đạo Ban an ninh, an toàn giao thông đường sắt nêu quan điểm.
Trước đó, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng cần kiên quyết dẹp bỏ các loại hình kinh doanh bên đường tàu. Tuy nhiên, chuyên gia du lịch Nguyễn Tiến Đạt lại cho rằng việc yêu cầu xử lý và dẹp bỏ những hình thức này thể hiện sự yếu kém trong công tác quản lý, "không quản lý được thì cấm".
Ông Đạt đánh giá các quán cà phê bên đường tàu đã mở ra một điểm đến thú vị, níu chân du khách và những bạn trẻ khi đến Hà Nội. Loại hình kinh doanh này cũng phù hợp với xu hướng mới của giới trẻ là du lịch trải nghiệm và khám phá văn hóa bản địa qua các tụ điểm.
"Hà Nội thiếu những địa điểm vui chơi có văn hóa độc đáo, sáng tạo và có thể gây dấu ấn với khách du lịch. Nếu chúng ta muốn phát triển du lịch thủ đô, thay vì cấm những hình thức kinh doanh mới, cơ quan quản lý nên đưa ra các biện pháp để vừa duy trì, vừa bảo đảm an toàn cho người dân", ông Đạt đưa ý kiến.
Bình luận