Đối với một quốc gia có bề dày văn hóa lúa nước như Việt Nam, những chế phẩm làm từ gạo vẫn luôn nắm giữ vị trí quan trọng trong nền ẩm thực. Gạo có mặt trong hầu hết những món ăn hằng ngày, từ bữa ăn gia đình lấy cơm làm trung tâm, cho đến các món phở, bún, bánh hỏi, bánh cuốn, các món bánh truyền thống như bánh chưng, bánh dày, bánh tét, bánh ú... Bên cạnh đó, còn có một món ăn khác cực kỳ phổ biến, ấy chính là xôi.
Là gói xôi sớm được mẹ nhét vào cặp sách để ăn trên đường đi học
Những gói xôi như một thức quà ăn vặt khoái khẩu, có thời từng chỉ tốn từ hai đến ba nghìn của bọn trẻ con. Xôi xuất hiện trong đời những đứa trẻ Việt Nam từ rất sớm, có thể là từ lúc bắt đầu biết ăn, biết nhai sẽ được người lớn đút cho ít xôi nếp mềm, có khi là từ gói xôi sớm mẹ mua vội đầu ngõ, rồi nhét vào cặp sách để con ăn trên đường đến trường.
Chỉ là thức ăn hằng ngày, nhưng xôi cũng đến với ta trong nhiều hình thức khác nhau: từ xôi vò (trộn đậu xanh giã, ăn tơi và bùi), xôi xéo (xôi đậu xanh giã mịn được nắm lại, ăn kèm hành phi), hay xôi đậu phộng, đậu trắng, đậu đen. Ngoài ra còn có cả xôi mặn, ăn kèm lạp xưởng, chả lụa, pate và trứng cút.
Nói không ngoa, ta có thể ăn xôi liên tục cả bảy ngày trong một tuần mà chẳng thấy ngán, bởi không món xôi nào giống món xôi nào.
Là thức quà trang trọng luôn có trong các cột mốc đáng nhớ cả đời người
Đã đồng hành từ ngày cắp sách đến trường cho đến lúc trưởng thành, xôi còn là món ăn không thể thiếu trong các dịp quan trọng. Xôi đã xuất hiện như một vật phẩm cúng không thể thiếu trong tiệc thôi nôi (khi trẻ em tròn một tuổi), cũng phải có trong lễ Cúng Mụ (tập tục cúng khi trẻ em tròn 12 tuổi âm lịch, nhân dịp đủ một vòng 12 con giáp).
Hơn thế, xôi cũng không thể thiếu trong cả đám cưới, đám hỏi. Xôi dịp này cũng phải mang màu tươi tắn, ai khéo tay có thể tạo hình xôi thành chữ "hỷ", hình hoa mai, hình cá chép...
Có thể thấy, hơn cả một món ăn đơn giản, xôi gắn liền với rất nhiều tập tục quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam.
Xôi trong dịp lễ cúng thường đi kèm chè trôi nước, chè đậu các loại... nên mới hay có chuyện các hàng xôi chè hay từ hai gộp thành một, chuyên bán cả xôi, cả chè. Xôi trong dịp này khác với xôi thường, được làm với số lượng lớn hơn và được tạo hình đẹp đẽ, tươi sáng với mong muốn mang lại điều lành. Trong đó có món xôi gấc là phổ biến nhất do mang màu đỏ rực rỡ, bắt mắt. Ngoài ra, xôi đậu xanh có màu vàng cũng được ưa chuộng không kém.
Là món ăn gắn bó sâu sắc với văn hoá tinh thần người Việt
Xôi, dù mang hình thức nào, thì trong tâm lý của người Việt vẫn luôn gắn liền với hình ảnh một món ăn ngon.
Chỉ cần nhắc đến câu chuyện phú ông và thằng bờm nổi tiếng, khi mà Bờm chẳng thiết tha gì hơn một nắm xôi: "Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười". Câu chuyện này nói về sự khác biệt trong quan điểm về giá trị của trẻ con và người lớn, trong khi người lớn nghĩ rằng những thứ khác mới là quý giá thì đối với con trẻ, chỉ một nắm xôi ngon cũng đủ để vui vẻ cả ngày rồi.
Nhà văn Thạch Lam còn từng mô tả về xôi nghe rất thân thương như sau: "Xôi đậu, xôi lạc, xôi vừng mỡ và dừa. Ồ, cái xôi vừng mỡ, nắm từng nắm con, ăn vừa ngậy vừa bùi. Mà có đắt gì đâu! Ăn một, hai xu là đủ rồi. Mùa rét thì xôi nóng, hãy còn hơi bốc lên như sương mù, ăn vừa nóng người vừa chắc dạ."
Có thể thấy, xôi trong ẩm thực Việt là thức quà gắn bó sâu sắc với tinh thần người Việt Nam. Xôi đồng hành cùng thế hệ người Việt từ lúc còn bé loắt choắt cho đến khi trưởng thành và già đi. Đây là món ăn mà mọi thế hệ, mọi tầng lớp con người Việt Nam đều yêu quý.
Bình luận