• Zalo

Xe nội giá rẻ: Mơ đến bao giờ?

Xe Thứ Tư, 25/06/2014 12:15:00 +07:00Google News

Tại cuộc triển lãm mới đây, ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Công ty Vinaxuki đích thân cầm lái giới thiệu mẫu xe du lịch nhỏ có mức giá tầm 310 triệu.

Tại cuộc triển lãm mới đây, ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Công ty Vinaxuki đích thân cầm lái giới thiệu mẫu xe du lịch nhỏ có mức giá tầm 310 triệu.

Chuyện ít người biết, là trong thời gian công nông "đầu ngang" vẫn thịnh hành, ông Bùi Ngọc Huyên, chủ hãng xe Chiến Thắng (tiền thân của Vinaxuki) đã lặng lẽ mời những người thân thiết nhất đến chơi với ông, để giới thiệu về dòng xe du lịch mà doanh nghiệp ông lắp ráp, chuẩn bị đưa ra thị trường.

Ông Bùi Ngọc Huyên (đứng giữa) đang giới thiệu xe với khách tham quan

Đó là dòng xe 7 chỗ ngồi loại nhỏ, máy xăng, có đầy đủ trang thiết bị như một loại xe du lịch thông thường khác, nhưng đặc biệt là giá chỉ có 80 triệu đồng/chiếc vào thời điểm ấy (tương đương khoảng 160 triệu đồng so với hiện tại). Tất nhiên, ai cũng hiểu chiếc xe chỉ sử dụng động cơ Trung Quốc, nhưng với giá bán rẻ như cho không ấy, sẽ đảm bảo chiếc xe sẽ tiếp tục bán chạy.

Một giấc mơ dang dở

Nhưng giấc mơ ôtô du lịch giá rẻ của ông chủ hãng xe Chiến Thắng đã đổ vỡ, khi hãng xe này phải xoay sang đầu tư lại để thay đổi hoạt động sản xuất sản phẩm chính là ôtô vận tải, sau lệnh cấm công nông "đầu ngang".

Mặt khác, thời điểm ấy cũng không ngân hàng nào cho một hãng xe ngoài Nhà nước vay hơn trăm tỷ đồng đầu tư sản xuất xe ôtô, dù là ôtô giá rẻ.

Quãng thời gian hơn 10 năm sau đó, các nhà quản lý và công chúng đã chứng kiến sự đổ vỡ của giấc mơ ôtô giá rẻ made in Viet Nam, dù đã dựng đủ cả hàng rào hạn ngạch nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, cùng với ưu đãi tất những gì có thể ưu đãi… cho các nhà sản xuất. Nhưng ôtô sản xuất tại Việt Nam vẫn đắt nhất thế giới, và đắt nhất trong khi tỷ lệ nội địa hóa cũng thuộc hàng thấp nhất thế giới, chỉ chừng dưới 10%.

Ngay với cả dòng xe được ông chủ của Vinaxuki mới giới thiệu có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất cũng chỉ chừng 56 - 58%, và giá bán (310 - 330 triệu đồng/xe) chỉ thấp nếu so với giá xe du lịch bình quân hiện nay trên thị trường.

Nhưng hoàn toàn không thấp nếu so với giá xe ôtô cùng loại đã được các nước khác sản xuất và bán. Cách nói khác từ thực tế này là, về bản chất, xe ôtô giá rẻ Made in Vietnam vẫn là một giấc mơ với người Việt.

Giữa năm 2013, hãng Honda giới thiệu mẫu xe hơi Mobilio tại thị trường Indonesia, với giá chỉ từ 13.200 USD, tức là chỉ tương đương giá 1 chiếc moto 2 bánh thương hiệu Honda SH nhập khẩu tại Việt Nam.

Đến tháng 9/2013, Honda chính thức bán dòng xe này tại Indonesia. Đồng thời, Honda cũng giới thiệu dòng xe Brio Satya với 3 phiên bản, giá bán chỉ từ 9.300 USD/chiếc.

Cũng trong tháng 9/2013, hãng Daihatsu đã ra mắt dòng xe Daihatsu Ayla với 3 phiên bản, có giá thấp nhất là 6.600 USD. Tại Thái Lan, tháng 9/2013, Suzuki giới thiệu chiếc Suzuki Swift giá bán khoảng 15.000 USD. Ngoài ra có thể kể tới các loại xe giá rẻ như Mitsubishi Mirage của Mitsubishi (12.500 USD/chiếc), Toyota Agya (8.700 USD/chiếc)…

Chỉ nhìn giá bán, đã có thể thấy loại xe giá rẻ mới được Vinaxuki giới thiệu ở Việt Nam khó có "cửa" sống sót, nếu những loại xe này được nhập khẩu vào Việt Nam.

Người ta làm được, còn ta?

Không nên đặt câu hỏi vì sao Indonexia và Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc… có thể sản xuất được ôtô giá rẻ, nhưng Việt Nam lại không thể. Vì thực tế sản xuất ôtô hiện theo mô hình chuỗi sản xuất toàn cầu, nên cách đặt câu hỏi theo tư duy vùng lãnh thổ sẽ không thể đưa đến câu trả lời chính xác.

Mà, nên đặt câu hỏi, rằng tại sao những hãng xe lớn như Mitsubishi, Honda, Toyota… có thể sản xuất xe giá rẻ và bán tại thị trường thế giới, nhưng lại không "làm" điều này tại thị trường Việt Nam?

Câu trả lời sẽ rất dễ dàng, chính sách thuế đánh vào ôtô hiện nay đã "đóng góp" vai trò chính trong việc giảm giá ôtô tại thị trường Việt Nam. Hiện, ôtô từ 9 chỗ trở xuống tại Việt Nam đang bị áp suất thuế tiêu thụ đặc biệt từ 45 - 60%.

Khung sườn mẫu xe nhỏ của Vinaxuki đem đến triển lãm

Đó cũng chỉ mức thuế đánh trên xe hoàn chỉnh, còn trước đó, trong quá trình nhập khẩu, thì linh kiện để lắp ráp ôtô cũng đã bị… đánh thuế, ở mức nhiều chục phần trăm trên đơn giá nhập khẩu.

Điều đó có nghĩa là thuế trong giá thành ôtô tại Việt Nam hiện đang bị tình trạng thuế chồng thuế, đẩy giá lên quá cao, thậm chí đến mức cao như thuế đánh vào thuốc lá, một sản phẩm độc hại. Đó lại là điều hiện nay không xuất hiện trong sản xuất ôtô tại nhiều nước như Indonesia và Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc…

Vấn đề là ở chỗ, thuế cao không phải là điều các nhà sản xuất ô tô nội địa lo ngại, dù họ vẫn "kêu" rằng thuế cao là nguyên nhân khiến giá ôtô tại Việt Nam cao. Vì về bản chất, giá ôtô là tổ hợp của giá thành sản xuất cộng với chi phí thuế và lợi nhuận danh định của nhà sản xuất, nên thuế cao thì nhà sản xuất sẽ đẩy giá bán ôtô lên cao để không ảnh hưởng tới lợi nhuận.

Nói cách khác là thuế cao cũng không khuyến khích các nhà sản xuất tập trung cho nội địa hóa sản xuất ôtô. Đó lại là điều các nhà quản lý ở Việt Nam dường như đã nhận ra, nhưng lại lờ đi để tập trung cho nhiệm vụ tận thu thuế. Và ở chiều ngược lại, các nhà sản xuất cũng cứ thoải mái "đổ" cho nguyên nhân mức thuế quá cao để thổi giá ôtô lên cao tương ứng.

Chả trách ông chủ hãng xe Vinaxuki đã "phấn khởi" thế nào, khi trình làng thị trường nội địa xe ôtô với giá 310 triệu đồng chiếc, tức là gấp đôi về giá so với nhiều loại xe giá rẻ ở nước khác.

Theo Thời báo kinh doanh
Bình luận
vtcnews.vn