Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được HĐND TP thông qua đặt mục tiêu giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô.
Để thực hiện mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là TP Hà Nội sẽ xây dựng đập trên hệ thống sông Hồng, sông Đuống để đảm bảo mực nước ổn định, phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội trên các dòng sông.
Cụ thể, Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng đập Xuân Quan trên sông Hồng, đập Long Tửu trên sông Đuống để dâng nước, cải thiện khả năng lấy nước vào hệ thống thủy lợi, làm sống lại các dòng sông.
Nhờ đó, nước từ sông Hồng, sông Tô Lịch sẽ có dòng chảy, thoát cảnh dòng sông chết, tích tụ nước thải như hiện nay.
Trước đó tại hội nghị công bố quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, việc làm đập tràn trên sông Hồng để bảo đảm môi trường cho toàn bộ Hà Nội và vùng xung quanh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, khi nước sông Hồng dâng lên sẽ giúp các sông Nhuệ, sông Đáy hay thậm chí sông Tô Lịch có dòng chảy tự nhiên như xưa.
Cùng vấn đề trên, Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cũng vừa đề xuất xây dựng một số đập trên sông Hồng và sông Đuống nhằm dâng nước, tạo nguồn tự chảy thường xuyên, liên tục vào các sông của Hà Nội. Việc này nhằm đảm bảo dòng chảy môi trường, tránh tình trạng ứ đọng, ô nhiễm, trả lại khả năng tự làm sạch các chất ô nhiễm cho sông.
Đề án cũng hướng tới việc điều hòa, kiểm soát lượng dòng chảy phân lưu từ sông Hồng sang sông Đuống, sử dụng nước, tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước.
Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước, việc kết hợp cầu giao thông, tận dụng khai thác nguồn thủy năng góp phần đảm bảo hệ thống điều độ điện quốc gia, xây dựng các âu thuyền, đường cá đi, duy trì hệ sinh thái thủy sinh trên sông, tạo cảnh quan là điểm nhấn phù hợp với quy hoạch thành phố hai bên sông của Hà Nội.
Bình luận