Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ngày 6/4 cho biết từ đầu năm đến nay, cơ quan này nhận được được một số thông tin từ 5 công ty, đơn vị: TNHH AstraZeneca Việt Nam; TNHH Novartis Việt Nam; Văn phòng đại diện F.Hoffmann-La Roche Ltd tại Hà Nội; Văn phòng đại diện Les Laboratoires Servier tại Hà Nội; Văn phòng đại diện Takeda Pharmaceuticals (Asia Pacific) Pte., Ltd, liên quan việc phát hiện một số lô thuốc giả, nghi ngờ giả, không rõ nguồn gốc.
Cơ quan này đề nghị Sở Y tế Hà Nội tập trung xác minh một số thuốc giả, nghi ngờ giả xuất hiện trong chuỗi cung ứng tại Trung tâm bán buôn thuốc Hapulico (số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội) và thuốc mua tại nhà thuốc để sử dụng trong Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, như:
- TobraDex, hộp 1 lọ đếm giọt Droptainer 5ml, ghi nhãn số lô: 22C10HB, ngày hết hạn/EXP: 10/3/2024, ngày sản xuất/MFD: 10/03/2022; số lô: 22B16LA, ngày hết hạn/EXP: 16/2/2024, ngày sản xuất/MFD: 16/2/2022. Đây là thuốc nhỏ mắt.
Trong số này, hồi tháng 2, Cục Quản lý Dược đã phát thông báo trên toàn quốc với thuốc giả, nghi giả với thuốc TobraDex ghi nhãn số lô 22C10HB, kèm hình ảnh phân biệt sản phẩm thuốc thật và giả.
Cục Quản lý Dược cũng đề nghị Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra (định kỳ và đột xuất) việc thực hiện các quy chế chuyên môn về dược của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp kinh doanh thuốc giả, không rõ nguồn gốc, nhập lậu, mua bán không có hóa đơn chứng từ hợp lệ.
Cùng đó, xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ quan chức năng (Cơ quan Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Ban chỉ đạo 389 thành phố ...), tiến hành cao điểm thanh tra, kiểm tra đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc trên địa bàn, xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm.
Trung tâm kiểm nghiệm cần tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành trên địa bàn đối với các thuốc có nguy cơ vi phạm chất lượng...
Bình luận