• Zalo

Vùng phát thải thấp - Xu hướng mạnh mẽ trong bảo vệ môi trường đô thị

Giao thông xanhThứ Hai, 09/12/2024 11:56:57 +07:00Google News
(VTC News) -

Vùng phát thải thấp (LEZ) là những khu vực hạn chế phương tiện gây ô nhiễm, chúng ngày càng phổ biến ở các thành phố châu Âu, với hơn 300 vùng đang hoạt động.

Tính đến nay, riêng ở châu Âu có hơn 320 vùng phát thải thấp (LEZ), phần lớn nằm ở các quốc gia như Đức, Pháp, Ý và Vương quốc Anh. Đức dẫn đầu với ít nhất 47 khu vực, trong khi Pháp đang nhanh chóng mở rộng mạng lưới. Xu hướng này cũng đang dần phổ biến ở các thành phố trên toàn thế giới, gồm Trung Quốc, Nhật Bản và một số vùng của Bắc Mỹ, mặc dù châu Âu vẫn là nơi dẫn đầu toàn cầu về việc triển khai sáng kiến này​.

Về định nghĩa, vùng phát thải thấp là khu vực đô thị được chỉ định hạn chế quyền tiếp cận của các phương tiện gây ô nhiễm nhất nhằm cải thiện chất lượng không khí, và thúc đẩy giao thông đô thị bền vững. Được giới thiệu vào cuối những năm 1990, LEZ được áp dụng rộng rãi, đặc biệt là ở châu Âu, khi các thành phố phải đối mặt với mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng và những thách thức về sức khỏe cộng đồng liên quan đến chất lượng không khí kém. Đến năm 2025, số lượng LEZ đang hoạt động ở châu Âu dự kiến ​​sẽ đạt hơn 500.

Thông thường, quy định hạn chế tiếp cận áp dụng cho những phương tiện không đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải cụ thể, chẳng hạn như tiêu chuẩn khí thải Euro ở châu Âu. Ví dụ, tại một số LEZ, chỉ những phương tiện tuân thủ các tiêu chuẩn Euro 4 trở lên mới được phép vào, trong khi những phương tiện cũ hơn, gây ô nhiễm nhiều hơn bị cấm vào. Ngoài lệnh cấm vào, một số LEZ còn áp dụng phí đối với những phương tiện có lượng khí thải cao hơn, tạo ra động lực tài chính để người lái xe chuyển sang các phương án thay thế sạch hơn.

Vùng phát thải siêu thấp (ULEZ) ở London đang là mô hình kiểu mẫu cho sáng kiến này.

Vùng phát thải siêu thấp (ULEZ) ở London đang là mô hình kiểu mẫu cho sáng kiến này.

Theo thống kê tại châu Âu, vùng phát thải thấp đang mang lại nhiều tác động tích cực rõ rệt đến môi trường và sức khỏe cộng đồng tại một số thành phố lớn trên thế giới. Tại Berlin, lệnh cấm các phương tiện không đạt chuẩn Euro 4 đối với diesel và Euro 1 đối với xăng đã giúp giảm 10% nồng độ PM10 trong không khí. Ở Brussels, sau khi triển khai LEZ từ năm 2018, phát thải NOx, PM2.5 và carbon đen từ giao thông giảm lần lượt 31%, 30% và 62%, trong khi nồng độ NO2 tại các trục đường chính cũng giảm tới 30%.

Tại Lisbon, phân tích về LEZ cho thấy, nồng độ NO2 giảm 22% và PM10 giảm 29%, góp phần cải thiện đáng kể chất lượng không khí. ULEZ (vùng phát thải siêu thấp) ở London không chỉ giảm phát thải NOx đến 23% kể từ năm 2019 mà còn giảm NO2 trong không khí 21% ở nội thành và 46% ở trung tâm, đồng thời giảm nồng độ PM2.5 đến 41%. Đặc biệt, lượng CO2 phát thải tại đây giảm tới 800.000 tấn từ năm 2019 đến 2022, tương đương với lượng khí thải hàng năm của hơn 600.000 xe hơi.

Tại Madrid, LEZ ban đầu mang tên "Madrid Central" đã giảm nồng độ NO2 từ 23% đến 34% so với mức trước đó, minh chứng cho hiệu quả của các biện pháp kiểm soát phát thải. Những kết quả này không chỉ khẳng định vai trò của LEZ trong việc bảo vệ môi trường mà còn cho thấy tiềm năng ứng dụng rộng rãi để giảm ô nhiễm không khí trên toàn cầu. 

Theo mạng lưới Clean Cities đang hoạt động trong lĩnh vực giao thông xanh, có 5 thành phố đều của châu Âu được coi là "người dẫn đường" trong việc áp dụng LEZ. Cụ thể:

Amsterdam: Kể từ năm 2019, với việc thông qua "Kế hoạch Không khí sạch" được phối hợp với Chính phủ, doanh nghiệp và các ngành công nghiệp, thành phố này thực hiện một kế hoạch chi tiết và từng bước về cách chuyển đổi từ LEZ sang giao thông đô thị không phát thải bằng cách tiếp cận toàn diện, được truyền đạt tốt và hướng tới tương lai.

Stockholm: Thủ đô của Thụy Điển sẽ giới thiệu "Vùng Môi trường 3" đầu tiên của nước này ngày 31/12, một khu vực phát thải gần bằng không ở khu thương mại trung tâm. Cột mốc này tiếp nối 2 khu vực phát thải thấp trước đó trong thành phố và dự kiến ​​sẽ là giai đoạn đầu tiên trong chiến lược của thành phố hướng tới vùng phát thải bằng không trên toàn thành phố vào những năm 2030.

Brussels đã dần siết chặt các quy định về LEZ, tạo ra sự thay đổi lớn trong cách người dân di chuyển. Dù vẫn cần thúc đẩy thêm các phương tiện không phát thải, LEZ ở Brussels được coi là một sáng kiến tham vọng, được giám sát kỹ lưỡng và hỗ trợ bởi các chương trình tài chính cùng các ưu đãi để đảm bảo sự công bằng.

Ghent, một thành phố nhỏ hơn ở Bỉ, được xem là ví dụ tiêu biểu trong việc kết hợp LEZ với kế hoạch giảm thiểu sử dụng xe hơi và quyền sở hữu xe. Thành phố này cũng thành công trong việc khuyến khích các hình thức di chuyển chủ động như đi bộ và xe đạp.

Một số thành phố châu Âu đang trở thành điển hình về áp dụng mô hình LEZ.

Một số thành phố châu Âu đang trở thành điển hình về áp dụng mô hình LEZ.

London sở hữu LEZ lớn nhất thế giới, chứng minh hiệu quả trong việc giảm khí thải và tắc nghẽn giao thông. Khu vực này được giám sát bằng công nghệ tiên tiến như camera cố định và di động quét biển số xe, đồng thời cung cấp các báo cáo tiến độ thường xuyên. ULEZ (vùng phát thải siêu thấp) của London cũng áp dụng phí ùn tắc hàng ngày, miễn trừ cho các phương tiện chạy bằng điện hoặc pin nhiên liệu hydro cho đến năm 2025.  

Dựa trên các ví dụ chuẩn mực trên về LEZ trên thế giới, một LEZ tốt, theo Clean Cities, cần thực hiện những điều này:

- Có mô lớn, nghiêm ngặt và được thực thi tốt như ULEZ của London, nơi áp dụng công nghệ giám sát hiện đại và báo cáo tiến độ thường xuyên.

- Đảm bảo tính bao quát, truyền thông hiệu quả và hướng tới tương lai như LEZ ở Amsterdam, nơi có sự tham gia của cộng đồng và lập kế hoạch dài hạn.

- Cung cấp nhiều lựa chọn thay thế và biện pháp hỗ trợ như ở Paris và Brussels, nơi các chương trình hỗ trợ tài chính và các phương tiện di chuyển không phát thải được ưu tiên.

- Kết hợp với kế hoạch cải tổ giao thông tổng thể, giảm sử dụng xe hơi và thúc đẩy di chuyển chủ động như ở Ghent.

- Linh hoạt và tạo sự cân bằng bằng cách áp dụng vé ngày giới hạn như ở Brussels, giúp giảm áp lực kinh tế cho người dân​.

LEZ và ZEZ trong tương lai

Các thành phố đã có hệ thống vùng phát thải thấp (LEZ) phát triển như Amsterdam và Brussels đang hướng tới việc thiết lập các khu vực không phát thải (ZEZ) vào những năm 2030, đồng thời mở rộng hoặc siết chặt các khu vực hiện có. Hiện hơn 30 thành phố ở châu Âu lên kế hoạch triển khai ZEZ vào thập kỷ tới. Giống như LEZ, ZEZ được công nhận là biện pháp quan trọng để cải thiện chất lượng không khí trong Chỉ thị Chất lượng Không khí Môi trường mới của EU.

Chỉ thị này yêu cầu các cơ quan chức năng đánh giá tác động của LEZ và ZEZ khi ô nhiễm không khí vượt ngưỡng cho phép, và phải đưa ra lý do nếu không triển khai chúng.

Quá trình chuyển đổi sang giao thông đô thị không phát thải đòi hỏi sự thay đổi về công nghệ, hành vi và sự phối hợp của nhiều bên liên quan. Tuy nhiên, thành công của LEZ tại châu Âu cho đến nay chứng minh vai trò tiên phong của các thành phố trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi bền vững, công bằng và nhanh chóng.  

Bình luận
vtcnews.vn