Thời gian qua, tuyến đường sắt đô thị thứ 2 của Hà Nội đi vào hoạt động phục vụ người dân, nhiều tín hiệu tích cực được ghi nhận. Điển hình như sau khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông bắt đầu đón khách (tính từ ngày 6/11/2021) đã có 20% hành khách bỏ ô tô để đi tàu điện.
Phân tích về lợi ích của việc thay đổi thói quen di chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng đường sắt đô thị, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Hanoi Metro khẳng định: "Cứ 1 triệu chuyến di chuyển từ phương tiện cá nhân sang tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông sẽ tiết kiệm được 487.000 giờ giao thông trên đường, đồng thời giảm khí thải độc hại khoảng 100 tấn. Nếu 487.000 giờ đưa vào lao động sản xuất, cộng với tiền đầu tư để xử lý về môi trường sẽ đem lại giá trị khoảng 30 tỷ đồng".
Đồng tình với những thay đổi tích cực trên, ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, mỗi chuyến tàu điện sẽ giúp giảm khí thải rất nhiều. Ngoài tàu điện, vài năm gần đây xuất hiện xe buýt điện, đó là phương tiện "rất đẹp, văn minh và hiện đại", trái ngược với xe buýt chạy bằng dầu, xăng.
"Tôi cho rằng đây là xu thế không thể khác, cần làm càng nhanh càng tốt. Nếu đến năm 2030 Hà Nội có được 100% xe buýt điện thì tuyệt vời. Khi ấy sự chuyển đổi này mang đến nhiều lợi ích, vừa bảo vệ môi trường, vừa tăng năng suất lao động, vừa đảm bảo sức khỏe của công nhân", ông Tùng nói.
Theo PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, xu hướng chuyển đổi xanh là tất yếu. Để làm được, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội chứ không chỉ của Sở Giao thông Vận tải hay của ngành giao thông, người làm giao thông.
Cũng theo PGS.TS Bùi Thị An, Hà Nội có nhiều chủ trương quan trọng, giải pháp hỗ trợ nhưng chưa thực hiện hiệu quả. Bà đưa xuất nên thực hiện "ba cần", trong đó đầu tiên là cần thay thế các phương tiện giao thông bằng phương tiện công cộng nhiều hơn, không dùng nguyên liệu hóa thạch.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đến đường xá, tài chính đầu tư hạ tầng và cuối cùng là cần sự kết nối chặt chẽ trong hệ thống giao thông, tăng cường hệ thống hạ tầng giao thông tốt, cùng với đó là có những chế tài đi kèm khi thực hiện.
Trước vấn đề giải quyết bài toán giao thông của Hà Nội hiện nay, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cũng thể hiện quyết tâm của Hà Nội trong việc chuyển đổi sang các phương tiện sử dụng điện. Ô nhiễm và ùn tắc giao thông đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển Thủ đô và đời sống người dân. Quy hoạch Thủ đô có 3 chuyển đổi, trong đó chuyển đổi xanh đòi hỏi sự đồng bộ lớn.
Việc rà soát và tổ chức lại giao thông đã đem lại hiệu quả ngay trong việc giảm thiểu ùn tắc. Bên cạnh đó, cần cơ chế, khuyến khích để người dân thấy thuận lợi nhất và tích cực tham gia; thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, thời gian đi trên đường giảm rất nhiều.
Cùng với đó cần tính toán cơ chế, thể nâng quy chuẩn, tiêu chuẩn về phát thải đối với phương tiện trên địa bàn Thủ đô. Ngoài ra, Hà Nội hiện nay đã đưa vào quy hoạch để đồng bộ và kết nối trong giao thông. Phải kết nối được toàn bộ các phương thức vận tải hành khách nhằm thu hút người dân.
Bình luận