Theo Reuters, ngày 5/10, bên thềm phiên họp toàn thể của Câu lạc bộ Thảo luận quốc tế Valdai, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này đã thử nghiệm thành công tên lửa hành trình hạt nhân Burevestnik.
“Chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm thành công lần cuối đối với tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân Burevestnik”, ông Putin nói.
Tuyên bố của ông Putin là thông báo đầu tiên về cuộc thử nghiệm thành công Burevestnik. Tên lửa này được cho là có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường, đồng thời có khả năng bay cao trong thời gian dài hơn nhiều so với các tên lửa khác và bay với khoảng cách xa nhờ lực đẩy hạt nhân.
Năm 2018, ông Putin lần đầu tiên đề cập đến việc Nga đang nghiên cứu loại vũ khí này, tuyên bố tên lửa sẽ có tầm bắn không giới hạn, cho phép bay vòng quanh Trái đất mà không bị hệ thống phòng thủ tên lửa phát hiện.
Burevestnik hay “Chim báo bão’ là mẫu tên lửa hành trình có khả năng triển khai vũ khí hạt nhân của Nga. Tuy nhiên điểm nhấn tạo nên sự khác biệt của Burevestnik so với các phương tiện triển khai vũ khí hạt nhân khác là nó sử dụng động cơ hạt nhân.
Với hệ thống động lực hạt nhân, Burevestnik có tầm bắn xa hơn nhiều động cơ phản lực hoặc động cơ phản lực cánh quạt thông thường vốn bị giới hạn bởi nhiên liệu tên lửa có thể mang theo.
Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, trích dẫn một tạp chí quân sự chuyên ngành của Nga vào năm 2021, cho biết tên lửa mới sẽ có tầm bắn lý thuyết lên tới 20.000 km. Do đó nó có thể được triển khai ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ Nga và thực hiện tấn công phủ đầu dù đối phương có ở đâu đi nữa.
Cũng theo tạp chí quân sự Nga, Burevestnik có thể hạ thấp độ cao khi bay xuống còn 50 – 100m điều mà không mẫu tên lửa hành trình thông thường nào có thể làm được. Khả năng bay linh hoạt cho phép tên lửa Nga tránh được các hệ thống phòng không của đối phương hoặc thay đổi lộ trình bay liên tục bất kể ở địa hình nào.
Báo cáo năm 2020 của Trung tâm tình báo hàng không và vũ trụ Mỹ cho biết, nếu Nga đưa Burevestnik vào sử dụng thành công, sẽ mang lại cho Moskva một " vũ khí độc nhất có khả năng tấn công xuyên lục địa ".
Việc phát triển hệ thống động lực hạt nhân của tên lửa là một thách thức kỹ thuật lớn, liên quan đến một số thử nghiệm thất bại. Vào năm 2019, ít nhất 5 chuyên gia hạt nhân Nga đã thiệt mạng trong một vụ nổ và phóng xạ trong một cuộc thử nghiệm ở Biển Trắng. Các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết họ nghi ngờ đây là một phần trong cuộc thử nghiệm Burevestnik.
Các chuyên gia phương Tây từ lâu đã đặt câu hỏi liệu tên lửa có thực sự được đưa vào sử dụng hay không. Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân (NTI - Nuclear Threat Initiative), một tổ chức an ninh phi lợi nhuận, ước tính vào năm 2019 rằng việc triển khai có thể phải mất một thập kỷ nữa.
Cũng theo NTI, động cơ đẩy hạt nhân của Burevestnik có thể cho phép nó bay lơ lửng trong nhiều ngày nếu cần.
"Khi hoạt động, Burevestnik sẽ mang một đầu đạn hạt nhân hoặc nhiều đầu đạn bay vòng quanh Trái Đất ở độ cao thấp, tránh hệ thống phòng thủ tên lửa và né tránh địa hình. Ở điểm cuối tên lửa sẽ triển khai đầu đạn tấn công mục tiêu hoặc nhiều mục tiêu”, các chuyên gia NTI phân tích.
Việc phát triển Burevestnik và các hệ thống chiến lược mới khác của Nga có thể làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán giữa Moskva và Washington về bất kỳ sự thay thế nào cho Hiệp ước New START nhằm hạn chế số lượng vũ khí hạt nhân mà mỗi bên có thể triển khai.
Tương lai của hiệp ước đang bị đặt dấu hỏi khi Nga đã đình chỉ tham gia vào tháng 2 và sẽ hết hạn vào năm 2026.
Tổng thống Nga Putin không cho biết cuộc thử nghiệm mới nhất diễn ra khi nào, nhưng tờ New York Times đưa tin hôm thứ Hai rằng nó có thể diễn ra gần đây, dựa trên chuyển động của máy bay và phương tiện tại một căn cứ của Nga ở Bắc Cực.
Bình luận