Kenichiro Fumita khóc rất nhiều sau trận chung kết môn vật cổ điển Olympic Tokyo 2020. Đô vật Nhật Bản nghẹn ngào: "Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới những người quan tâm và tình nguyện viên đang đồng hành với Thế vận hội trong thời gian khó khăn này”.
Vận động viên của nước chủ nhà gọi tấm huy chương bạc là một kết quả đáng xấu hổ. “Tôi thành thật xin lỗi", Fumita lắc đầu, tỏ rõ vẻ chán nản.
Giọt nước mắt và những lời xin lỗi của các vận động viên Nhật Bản dần trở nên quen thuộc với giới truyền thông ở Olympic Tokyo 2020. Bất kỳ một kết quả nào không phải huy chương vàng cũng được coi là một thất bại đáng phải xin lỗi. Trong quan điểm của họ, á quân Olympic hay đứng thứ hai thế giới vẫn là nỗi thất vọng đối với đội nhà, với người hâm mộ và màu cờ sắc áo.
Sau khi đội judo Nhật Bản thua trận chung kết trước đội Pháp, Shoichiro Mukai, 25 tuổi, thay mặt cả đội nhận lỗi: "Tôi muốn trụ vững thêm một chút nữa. Xin lỗi mọi người".
Lời xin lỗi cho tấm huy chương bạc thực ra không phản ánh áp lực phải trở thành số một thế giới và thước đo thành công của người Nhật Bản. Đối với các đại diện của nước chủ nhà, đó là cảm xúc hòa trộn giữa sự hối tiếc, lòng biết ơn, nghĩa vụ và cả sự khiêm tốn.
Họ xin lỗi không phải vì thất bại, mà là do không mang đến được niềm vui lớn hơn. Các VĐV Nhật Bản chơi thể thao không phải cho bản thân mình, một quan niệm được hình thành từ những ngày thơ ấu. Các đại diện chủ nhà tranh tài tại Olympic Tokyo 2020 cảm nhận được nghĩa vụ lớn hơn vì đại dịch COVID-19, thứ đã khiến cho kỳ Thế vận hội này thậm chí không được hoan nghênh bởi một bộ phận người dân Nhật Bản.
“Tôi cảm thấy chán nản về bản thân mình", VĐV môn leo núi Kai Harada, không lọt được vào chung kết, lau nước mắt khi trả lời phỏng vấn. Takeru Kitazono, kết thúc nội dung xà đơn môn thể dục dụng cụ ở vị trí thứ sáu, gửi tới người hâm mộ: “Tôi muốn trả ơn bằng màn trình diễn của mình, nhưng lại không thể làm được". Naomi Osaka, tay vợt số 2 thế giới, cũng làm như vậy sau khi bị loại ở vòng 3 nội dung đơn nữ môn quần vợt.
Lời xin lỗi là một nét văn hóa đặc trưng của người Nhật Bản. Một vị khách ghé thăm sẽ nói lời xin lỗi theo đúng nghĩa đen với chủ nhà. Một nhân viên nghỉ phép nói lời xin lỗi vì tạo gánh nặng cho đồng nghiệp. Đơn vị vận hành nói lời xin lỗi vì chuyến tàu đến muộn, hoặc thậm chí sớm hơn dù chỉ vài giây.
“Người Mỹ rất giỏi trong việc tìm ra lý do để tự hào với một thất bại. Tuy nhiên ở Nhật Bản, ngay cả khi thành công, bạn vẫn phải xin lỗi", Shinobu Kitayama, một nhà tâm lý học xã hội tại Đại học Michigan, Mỹ cho biết.
Joy Hendry, một nhà nhân chủng học và là tác giả của cuốn sách “Hiểu về xã hội Nhật Bản”, cho biết lời xin lỗi cũng có thể được coi là biểu hiện ngầm của lòng biết ơn: "Tôi tin rằng họ cảm thấy cần phải xin lỗi vì không đạt được những gì tốt nhất có thể".
Trả lời phỏng vấn sau khi giành tấm huy chương bạc, đô vật Fumita cho biết anh không dám nhận điện thoại từ cha mình, một HLV nổi tiếng. “Tôi không thể nhấc máy. Tôi không biết mình có thể nói gì với bố", anh nói.
Các VĐV Nhật Bản hiểu rằng ngoài những tấm huy chương, công chúng của nước chủ nhà không được hưởng thứ niềm vui nào khác từ việc đăng cai Olympic. Kỳ Thế vận hội lần này diễn ra trong điều kiện không có khán giả, ở một thành phố đang trong tình trạng khẩn cấp.
Sự trống vắng của các khán đài được nhận thấy rõ trong trận bán kết bóng đá nam giữa Nhật Bản và Tây Ban Nha, trên một sân vận động có sức chứa hơn 6 vạn người. Những tiếng reo hò và vỗ tay được phát ra từ băng ghi âm.
“Chúng tôi muốn giành huy chương bằng bất cứ giá nào để truyền năng lượng cho người Nhật Bản và khiến họ mỉm cười”, tiền vệ Yuki Soma chia sẻ với ánh mắt buồn bã sau khi thất bại.
Katrin Jumiko Leitner, nhà nghiên cứu về quản lý thể thao và chăm sóc sức khỏe tại Đại học Rikkyo ở Saitama, cho biết mong muốn xin lỗi một phần có thể xuất phát từ phong cách huấn luyện khắc nghiệt trong một số môn thể thao ở Nhật Bản.
Các VĐV có thể phải hứng chịu sự chỉ trích của dư luận vì không thể hiện đủ sự khiêm tốn. Yuko Arimori, vận động viên marathon từng giành HCB ở Olympic Barcelona 1992 và HCĐ ở Olympic Atlanta 1996, bị một số phương tiện truyền thông Nhật Bản chê bai sau khi tuyên bố tự hào về thành tích của mình.
Arimori cho biết bà hiểu lời xin lỗi là để truyền đạt cảm xúc biết ơn của các VĐV Nhật Bản, nhưng "người hâm mộ cũng phải hiểu rằng các VĐV đã nỗ lực rất chăm chỉ, vì vậy họ không cần xin lỗi".
Sau khi đội tuyển bóng đá nữ Mỹ thất bại trước Canada trong trận bán kết, không có lời xin lỗi nào được đưa ra cả. Carli Lloyd, 39 tuổi, chỉ nói về sự nuối tiếc khi trả lời phỏng vấn: "Chúng tôi đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội".
Khi VĐV số một thế giới Simone Biles rút lui khỏi các nội dung chung kết môn thể dục dụng cụ, truyền thông Mỹ đưa ra cả nghìn lý do vì sao cô không có lỗi với bất cứ ai cả. Đó là sự khác biệt về văn hóa.
Bình luận