Tôm là một trong những thực phẩm giàu dinh dưỡng nhất, là nguồn cung cấp protein, canxi, kẽm, sắt... dồi dào. Giàu đạm nhưng không nhiều chất béo, tôm không chỉ tốt cho người già, trẻ nhỏ, người sức khỏe yếu cần bồi bổ mà còn là thực phẩm lý tưởng cho những người cần giảm cân.
Trẻ em ăn tôm thường xuyên sẽ rất có lợi cho quá trình phát triển xương, tăng chiều cao. Vậy vỏ tôm hay thịt tôm nhiều canxi hơn, đó là thắc mắc của nhiều người khi muốn tận dụng nguồn canxi từ loại hải sản này một cách hiệu quả nhất.
Vỏ tôm hay thịt tôm nhiều canxi hơn?
Ai cũng biết ăn nhiều tôm thì cơ thể sẽ được cung cấp nhiều canxi, tuy nhiên nhiều người vẫn mơ hồ về chuyện vỏ tôm hay thịt tôm nhiều canxi hơn. Không ít người dù không thích vỏ tôm nhưng vẫn cố gắng ăn vì cho rằng canxi tập trung ở phần này là chủ yếu. Có những phụ huynh ép con nhỏ ăn tôm cả vỏ với hy vọng con cao lớn nhờ dung nạp nhiều canxi.
Tuy nhiên, vỏ tôm không chứa nhiều canxi như nhiều người vẫn tưởng. Chia sẻ trên Vietnamnet, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội) khẳng định: “Chúng ta thường nhầm vỏ ngoài con tôm chính là canxi nhưng điều này không chính xác. Nhiều người cố ăn vỏ tôm để có canxi nhưng việc làm này vô nghĩa.
Vỏ tôm là màng phía ngoài, chỉ có tác dụng bảo vệ con tôm. Sinh vật có nhiều canxi ở vỏ là ốc. Tuy nhiên đây lại là loại canxi vô cơ, cơ thể không tiêu hóa được. Canxi tiêu hóa được phải là canxi hữu cơ. Phần nhiều canxi nhất của con tôm chính là thịt tôm. Đây là canxi hữu cơ, tốt cho cơ thể chúng ta”.
Thịt tôm không chỉ là nguồn cung cấp canxi quý giá mà còn có hàm lượng vitamin D cao nhất trong các loại hải sản. Nó cũng rất giàu magie và phốt pho, tỷ lệ canxi/phốt pho và canxi/magie rất cân đối, do đó canxi trong thịt tôm dễ dàng được cơ thể hấp thụ hơn.
Những ai không nên ăn tôm?
Mặc dù tôm rất bổ dưỡng nhưng trong một số trường hợp, nó có thể gây ra những phản ứng không có lợi cho cơ thể. Bạn nên kiêng hoặc hạn chế ăn tôm trong những trường hợp sau:
Đang bị ho
Theo tư vấn của BS Thân Thị Ngọc Lan (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Hà Nội) trên VnExpress, khi ăn tôm, vỏ và càng tôm dễ bám vào niêm mạc họng, kích thích gây cơn ho tạm thời. Việc bỏ sạch vỏ tôm khi ăn có thể giúp tránh nguy cơ này.
Trong tôm và các loại hải sản nói chung chứa một số loại protein có thể gây dị ứng. Những người cơ địa dị ứng sau khi ăn tôm có thể bị ngứa ran trong miệng, nghẹt mũi, nổi ban hoặc tình trạng ho tiến triển nặng hơn. Những người không thuộc nhóm bị dị ứng vẫn có thể ăn tôm ngay cả khi bị ho, chỉ cần bóc vỏ và càng.
Bị hen, dị ứng hải sản
Hen thuộc nhóm bệnh dị ứng. Trong khi đó, như đã nói ở trên, tôm chứa một số protein gây dị ứng, kích ứng vùng họng, làm co thắt cơ khí quản, có thể làm khởi phát cơn hen. Vì thế, người bị hen suyễn tốt nhất không nên ăn tôm.
Những người bị dị ứng hải sản cũng rất dễ bị nổi mẩn đỏ hoặc các nốt sưng sau khi ăn tôm. Nếu từng bị hiện tượng đó, bạn cần thận trọng khi ăn tôm, hoặc tránh ăn món này.
Đang có triệu chứng viêm
Trong tôm chứa các chất khiến cho phản ứng viêm nặng thêm, vì thế nếu cơ thể đang có triệu chứng viêm, tốt nhất bạn nên ngừng ăn tôm.
Người bị cường giáp
Trong tôm cũng như các hải sản khác có nhiều i-ốt, có thể làm bệnh về tuyến giáp trở nên trầm trọng hơn. Vì thế, nếu bị cường giáp hay có vấn đề về tuyến giáp, bạn nên hạn chế ăn tôm.
Bình luận