• Zalo

Vinamilk và chiến lược đa dạng hóa sản phẩm

Gia đìnhThứ Sáu, 12/09/2014 08:38:00 +07:00Google News

Vinamilk được Hội Khoa học thực phẩm Việt Nam đề cử với Hiệp hội Khoa học thực phẩm thế giới và sản phẩm sữa hoàn nguyên tiệt trùng được bổ sung vi chất.

Đại diện DN đoạt Giải thưởng công nghiệp thực phẩm toàn cầu (IUFoST 2014), bà Bùi Thị Hương, Giám đốc điều hành Khối nhân sự, hành chính và đối ngoại Vinamilk trao đổi với phóng viên TBNH về chiến lược đa dạng hóa sản phẩm sữa Việt Nam.

Bà có chia sẻ gì về Giải thưởng IUFoST 2014 Vinamilk vừa đoạt được?

Đây là vinh dự lớn của Vinamilk khi vượt qua 100 đề cử đến từ 70 quốc gia trên thế giới để đoạt giải IUFoST. Vinamilk được Hội Khoa học thực phẩm Việt Nam đề cử với Hiệp hội Khoa học thực phẩm thế giới và sản phẩm sữa hoàn nguyên tiệt trùng được bổ sung vi chất của Vinamilk được vinh danh tại Hội nghị toàn cầu đó
.

Như vậy, có thể nói chiến lược đa dạng hóa sản phẩm của Vinamilk đã đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam và thế giới. Vinamilk đã đi vào tất cả các ngành hàng sữa và dẫn đầu thị trường sữa nước với 51,3% thị phần, kết quả do Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen công bố. Hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm của Vinamilk đạt được thành công nhất định và được công bố rộng rãi.

Đồng thời, với Giải thưởng IUFoST 2014 tại Canada, Vinamilk đã khẳng định sữa Việt Nam không thua kém các sản phẩm sữa trên thế giới. Giải thưởng này đã khẳng định người tiêu dùng Việt Nam hoàn toàn yên tâm sử dụng sản phẩm trong nước, với giá cả hợp lý, cạnh tranh và đã được các tổ chức uy tín trên thế giới chứng nhận.

Nó vừa đáp ứng được nhu cầu của Việt Nam, vừa đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Năm 2013, doanh số xuất khẩu của toàn ngành sữa là 230 triệu USD thì sản phẩm sữa xuất khẩu của Vinamilk chiếm 210 triệu USD, theo Hiệp hội sữa Việt Nam công bố.

Ngày càng có nhiều dự án của Vinamilk đầu tư ra nước ngoài. Vậy sản phẩm đầu tư từ nước ngoài sẽ trở về Việt Nam với giá cả như thế nào?


Không chỉ phát triển thị trường trong nước, Vinamilk đã đầu tư, mở rộng các nhà máy, công ty con của mình ra nước ngoài nhằm hiện thực hóa mục tiêu của Vinamilk đến năm 2017 sẽ đạt Top 50 DN sữa lớn nhất thế giới với doanh số 3 tỷ USD. Chiến lược đó bao gồm cả các kế hoạch mua bán sáp nhập (M&A). Như trường hợp nhà máy sản xuất sữa bột và sữa tươi ở New Zealand với sản phẩm với thương hiệu Twin Cows mà Vinamilk đã sản xuất và nhập về Việt Nam để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng Việt Nam thích sử dụng hàng nhập khẩu.

Hay, nhà máy mới đây mà Vinamilk đầu tư tại Mỹ, vừa sản xuất các sản phẩm tiêu thụ trong nội địa nước Mỹ, vừa sản xuất các sản phẩm sắp tới sẽ nhập về Việt Nam với giá cả cạnh tranh so với các sản phẩm đang nhập khẩu vào thị trường nội địa. Cùng một sản phẩm sản xuất ở nước ngoài, cùng nguyên liệu nhưng nhập về Việt Nam Vinamilk đã tính toán các chi phí để có giá cả hợp lý nhất cho người tiêu dùng. Minh chứng là sản phẩm Twin Cows đã được người tiêu dùng Việt Nam chấp nhận vì có giá thích hợp với túi tiền người Việt…

Về sản phẩm có tính đặc thù như dành cho người ăn kiêng hiện chưa nhiều. Vinamilk đánh giá thế nào về thị phần này?

Vinamilk đang tập trung cho chiến lược đa dạng hóa sản phẩm. Hiện Vinamilk có đầy đủ sản phẩm đáp ứng tất cả các phân khúc, nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam với giá cả phù hợp. Sản phẩm ăn kiêng của Vinamilk đã được nghiên cứu và cho hiệu quả giảm cân thuyết phục, nên khi ra thị trường đã được người tiêu dùng đón nhận ngay.

Tuy nhiên, hệ thống phân phối trong siêu thị do quầy kệ trưng bày có hạn chế, như mặt bằng trưng bày thường phải trả chi phí. Đó là nguyên nhân hạn chế việc trưng bày nhóm sản phẩm này. Hiện Vinamilk cũng đang tập trung phát triển sự hiện diện của đầy đủ các sản phẩm trong một chuỗi logistics để khách hàng dễ nhận thấy nhất, dễ tiếp cận và mua sản phẩm nhất. Đó là chiến lược xuyên suốt của Vinamilk.

Bà có nói đến mục tiêu vào Top 50 DN sữa hàng đầu thế giới. Vậy có rào cản nào với Vinamilk khi xuất khẩu sản phẩm?

Rào cản của nhiều nước khá ngặt nghèo, nhưng Vinamilk hầu như đã vượt qua. Rào cản lớn nhất khi xuất khẩu sản phẩm sữa là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn về quy chuẩn sữa của Việt Nam cũng đã theo tiêu chuẩn của thế giới. Với các nhà máy thế hệ mới nhất vừa được khánh thành của Vinamilk sẽ đáp ứng được tiêu chuẩn kiểm soát an toàn của thế giới, những nhà máy này sẽ thỏa mãn được yêu cầu an toàn thực phẩm quốc tế. Đấy là tiền đề để Vinamilk bước vào thế giới với nội lực mạnh và hành trang đầy đủ.

Mục tiêu xuất khẩu của Vinamilk ngày càng tăng do nỗ lực tìm kiếm thị trường cho nhà máy mới ở Campuchia đến 2015 sẽ khánh thành và đi vào hoạt động. Đó cũng là một hình thức xuất khẩu để cung cấp cho các nước lân cận và người dân Campuchia, thay vì xuất khẩu từ Việt Nam sang. Sau đó có thể là Lào, Myanmar… để giảm chi phí vận chuyển, lưu thông. Đưa thương hiệu Vinamilk ra thế giới trong thời gian ngắn nhất, kể cả hình thức M&A, sắp tới chúng tôi không chỉ đầu tư ở Mỹ mà có thể một số nước châu Âu…

Thời gian qua, các DN sữa trong nước như CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk, Công ty Frieslandcampina Việt Nam… đã tập trung đầu tư vào phát triển vùng chăn nuôi, đa dạng hóa sản phẩm cho người tiêu dùng. Các DN sữa trong nước đã xây dựng và phát triển trang trại bò sữa không những hiện đại về thiết bị chuồng trại, quy mô mà còn tiên tiến trong các mô hình quản lý vận hành, tuân thủ các yêu cầu khắt khe nhất của ngành sữa, ngành thực phẩm thế giới như Viet Dairy GAP, Global Gap, ISO…


Theo Hà Sơn/Thời báo ngân hàng
Bình luận
vtcnews.vn