Mới đây, Đại sứ quán Vương quốc Anh vừa tổ chức hội thảo “Tầm quan trọng của nghiên cứu hệ gen trong ứng phó với đại dịch COVID-19”.
Trả lời VTC News bên lề hội thảo, Giáo sư Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam có tiềm năng lớn về giải trình tự và phân tích gen.
"Các bạn đã có những gì cơ bản, chỉ cần bổ sung thêm về trang thiết bị và nhân lực có chuyên môn. Tôi nghĩ điều khó nhất ở đây là việc phối hợp giữa các tổ chức để có các hoạt động trên quy mô quốc gia", GS Guy Thwaites nói.
Về việc điều này sẽ giúp cho quá trình phát triển vaccine COVID-19 ở Việt Nam như thế nào, ông Thwaites giải thích, “khi bạn biết loại virus nào hay biến thể nào đang lưu hành ở nước mình thì bạn sẽ biết loại vaccine mình đang phát triển có khả năng hiệu quả hay không. Điều đó thực sự rất quan trọng”.
Xung quanh cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19, các hoạt động hợp tác đột phá đang diễn ra trong lĩnh vực công nghệ sinh học và y tế công cộng.
Từ những giai đoạn đầu tiên ứng phó với đại dịch COVID-19, việc tìm hiểu các thông tin và “hình hài” virus SARS-CoV-2 đã là một trong những ưu tiên hàng đầu của các nhà khoa học và chuyên gia y tế trên thế giới. Song song với nỗ lực phát triển vaccine trong thời gian ngắn, giám sát và theo dõi xu hướng của các biến thể mới cũng góp phần vô cùng quan trọng trong đẩy lùi dịch bệnh.
Sau các biện pháp như vaccine, chẩn đoán, khẩu trang,... nhu cầu “đi trước virus” càng trở nên rõ ràng hơn.
Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward cho biết: “Vaccine mới chỉ là một nửa công việc. Việc phát hiện và giám sát các biến chủng virus cũng quan trọng không kém để chúng ta có thể kịp thời ứng phó với đại dịch. Một ưu tiên của cộng đồng quốc tế là chia sẻ và minh bạch dữ liệu với nhau. Vương quốc Anh có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này và sẵn sàng chia sẻ với các đối tác”.
Đại sứ và các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia sẻ dữ liệu trình tự gen trên một hệ thống toàn cầu.
Hiện có GISAID là một sáng kiến khoa học toàn cầu và là nguồn sơ cấp cho nền tảng dữ liệu mở về hệ gen của virus cúm và virus SARS-CoV-2. Anh cung cấp gần 50% dữ liệu trên GISAID về SARS-CoV-2.
Tại Việt Nam, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP.HCM là hai cơ quan có nhiệm vụ phân tích hệ gen từ các mẫu bệnh phẩm SARS-CoV-2 để truy vết nguồn gốc lây bệnh (trên cơ sở kết hợp điều tra dịch tễ) và chia sẻ dữ liệu với quốc tế.
Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU), Anh có văn phòng tại Việt Nam từ năm 1991, là đơn vị có năng lực chuyên môn cao về y học, đã nhiều năm hợp tác với các đối tác Việt Nam để nghiên cứu hệ gen ở nhiều bệnh khác nhau.
Bình luận